TP HCM: Quận 7 dự kiến mở lại nhiều hoạt động kinh doanh từ 20/9
Thông tin trên được Chủ tịch UBND quận 7 (TP HCM), ông Hoàng Minh Tuấn Anh chia sẻ trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 8/9.
Cùng với huyện Củ Chi, quận 7 là một trong hai địa phương đã công bố kiểm soát thành công dịch bệnh. Cũng bởi vậy, thời điểm quận mở lại các loại hình kinh doanh, dịch vụ là điều được nhiều người dân quan tâm.
Về kế hoạch mở cửa lại các hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết quận đã xây dựng kế hoạch để đánh giá lại tất cả mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với người lao động, với hộ sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Đồng thời, đánh giá số hộ doanh nghiệp, kinh doanh phải nghỉ, số lao động ngưng việc và tỷ lệ công nhân không được đi làm.
Sau khi cân nhắc tất cả vấn đề trên, quận đã lên kế hoạch chung về việc mở cửa trở lại một số hoạt động và sẽ trình lên để UBND TP HCM thông qua.
Cụ thể, quận 7 dự kiến nếu sau 15/9, tình hình dịch bệnh tại TP HCM ổn định hơn thì địa phương này sẽ bắt đầu mở lại một số ngành nghề kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu, dịch vụ mua bán, ăn uống. Theo kế hoạch, việc mở cửa các hoạt động này kéo dài một tháng, bắt đầu từ 20/9 đến 20/10.
Tuy nhiên, các cửa hàng ăn uống ở quận 7 chỉ mở lại với hình thức bán mang đi, không ăn tại chỗ, không phục vụ trực tiếp. Bên cạnh đó, quận cũng đưa ra điều kiện để các hoạt động kinh doanh được vận hành.
Điều kiện đầu tiên là công dân, người dân kinh doanh trong các lĩnh vực trên phải tiêm hai mũi vắc xin. Thứ hai, các cửa hàng phải đảm bảo bộ tiêu chí đánh giá trước đây của thành phố về các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống an toàn. Ngoài ra, các hộ kinh doanh cũng phải xem xét phương án "3 tại chỗ" và "2 điểm đến - 1 cung đường" đối với nhân viên làm việc.
Ông Tuấn Anh cho biết sau khi có tổ thẩm định các điều kiện này, quận sẽ cho gắn biển hộ kinh doanh xanh hoặc hộ kinh doanh an toàn đối với các hộ được hoạt động trở lại.
Ngoài ra, quận còn có các chính sách hỗ trợ đi kèm như vận động chủ cho thuê mặt bằng giảm giá, đề xuất thành phố miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh trong năm 2021 và quý I/2022...
Đồng thời sẽ kết nối với các ngân hàng để khoanh nợ và cho vay vốn ưu đãi, kiến nghị thành phố hỗ trợ test nhanh cho các hộ kinh doanh 3 ngày/lần và hỗ trợ trong tháng đầu tiên. Song song đó, quận 7 đề xuất thành phố duy trì các gói an sinh xã hội cho những đối tượng là người lao động làm việc hoạt động trong lĩnh vực này...
Đáng lưu ý, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết sẽ kiến nghị thành phố sử dụng các khu đất trống do nhà nước quản lý hoặc khu đất trống dùng xây nhà ở thương mại nhưng đang tạm ngưng lại do dịch bệnh, để xây nhà lưu trú cho công nhân của những doanh nghiệp lớn, đông người lao động. Các cơ sở nhà lưu trú này sẽ để công nhân thuê với mức giá rất rẻ.
Nguyên nhân quận 7 kiến nghị việc này là thời điểm đầu dịch bệnh bùng phát từ khu chế xuất Tân Thuận do công nhân trong những khu nhà trọ ở chung với diện tích chật hẹp nên lây nhiễm rất nhanh. Để hạn chế việc này, công nhân phải được sống trong khu nhà ở với điều kiện sinh hoạt đảm bảo khoảng cách.
Về việc khu chế xuất Tân Thuận khi nào hoạt động trở lại, ông Tuấn Anh cho biết kế hoạch này sẽ nằm trong kế hoạch chung của TP HCM do đây là khu vực thuộc về lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Dự kiến, TP HCM có thể cho mở lại từ từ các khu vực đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ" hoặc đảm bảo "1 cung đường - 2 điểm đến".
"Việc công nhân được tiêm hai mũi vắc xin cũng là điều kiện để khu chế xuất Tân Thuận có thể hoạt động trở lại, nhưng vẫn cần đánh giá thêm một số tiêu chí khác như mức độ lây nhiễm hoặc đảm bảo công tác an sinh xã hội cho công nhân", ông Tuấn Anh nói.
Thông tin thêm về tình hình tại khu chế xuất Tân Thuận, lãnh đạo quận 7 cho biết hơn 52.000 công nhân trên tổng số 60.000 công nhân làm việc tại đây đã được tiêm mũi 1. Quận đang tiến hành tiêm vắc xin mũi 2 với công nhân thực hiện "3 tại chỗ" và hơn 9.000 công nhân đã hoàn thành xong mũi 2.