|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM bỏ giấy đi đường, chốt chặn từ ngày 1/10

11:22 | 30/09/2021
Chia sẻ
Bắt đầu từ ngày mai (1/10), TP HCM chính thức bỏ giấy đi đường và các chốt chặn. Song tại các chốt kiểm soát, công an vẫn kiểm tra xác suất về điều kiện tham gia lưu thông. Ngoài ra, TP HCM cũng lưu ý người dân không tự ý đi lại liên tỉnh.

Sáng 30/9, UBND TP HCM họp báo chính thức công bố chỉ thị điều chỉnh các biện pháp phòng, chống thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho biết tinh thần chỉ thị mới không phải cho các hoạt động được ồ ạt mở cửa trở lại mà phải có lộ trình để đảm bảo an toàn với tinh thần sức khỏe người dân là trên hết, theo Zing.

Theo lãnh đạo thành phố, vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa được hoạt động phù hợp với cấp độ dịch bệnh từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ lưu thông trong thành phố.

TP HCM đặc biệt lưu ý người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.

TP HCM chính thức bỏ giấy đi đường, chốt chặn từ ngày 1/10 - Ảnh 1.

TP HCM chính thức bỏ giấy đi đường, chốt chặn từ ngày 1/10. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

"Sau ngày 30/9 sẽ thấy không còn chốt chặn như trước nhưng Công an TP vẫn duy trì chốt lưu động, kiểm tra, giám sát và tuần tra để đảm bảo an toàn", Phó Chủ tịch UBND TP HCM thông tin.

Ngoài việc luôn thực hiện 5K, đề cao cảnh giác, người dân TP HCM khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vắc xin.

Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin và sau 14 ngày.

Về vấn đề giấy đi đường, ông Bình thông tin, TP HCM không cấp giấy đi đường nhưng tuần tra, kiểm tra. Ở các chốt kiểm soát, công an hoàn toàn có thể kiểm tra xác suất về điều kiện tham gia lưu thông. Nếu chưa đủ điều kiện về vắc xin thì chưa được tham gia lưu thông và sẽ bị nhắc nhở.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng cho hay, tất cả khu công nghiệp và khu chế xuất đang rất thiếu công nhân lao động, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. 

"TP HCM sẵn sàng đón công nhân có tham gia hoạt động sản xuất tại TP HCM nhưng thời gian qua đã về quê, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) sẽ phối hợp quy trình để đưa công nhân về TP HCM bằng phương tiện chung", ông Bình nhấn mạnh.

TP HCM đã có văn bản gửi 62 tỉnh, thành để có quy trình phối hợp đón công nhân trở lại TP HCM. Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP HCM khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại thành phố.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng kêu gọi, lực lượng lao động tại TP HCM yên tâm ở lại thành phố để tham gia lao động, đảm bảo cuộc sống của mình. 

"Các công trình, xây dựng, nhà máy mở cửa lại rất nhiều, rất thiếu hụt lao động. Người dân ở lại thành phố, được ưu tiên chích vắc xin và phải đảm bảo cuộc sống của mình", ông Bình nói.

Tính đến nay, TP HCM đã có 7 lần nâng cấp độ giãn cách xã hội theo chiều hướng lần sau cao hơn lần trước, đến nay người dân TP đã trải qua hơn 80 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hiện, TP đã có 11 địa phương kiểm soát được dịch, gồm: TP Thủ Đức, các quận 7, 5, 1, 3, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.

Phương Trang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.