|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Áp dụng sớm hộ chiếu vắc xin, kỳ vọng nhiều ngành nghề hồi sinh sau những chuyến bay 'xanh'

10:30 | 30/09/2021
Chia sẻ
Việc nối lại các đường bay trong bối cảnh dịch diễn biến vẫn khó lường không chỉ có ý nghĩa riêng với các doanh nghiệp hàng không, mà còn kéo theo sự hồi phục của nhiều lĩnh vực khác.

Những ảnh hưởng nặng nề của làn sóng COVID-19 thứ 4 kéo dài đang được thể hiện rõ qua sự sụt giảm mạnh của các chỉ số vĩ mô và hiện tại là thời điểm những kế hoạch mở cửa đang được rục rịch tiến hành.

"Đạt "zero COVID" sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19", Thủ tướng nêu rõ tại cuộc họp ngày 23/9.

Với tư duy đó, các địa phương cũng đang lên kịch bản nới lỏng giãn cách, cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ mở trở lại. 

Một trong những vấn đề quan trọng trong kịch bản mở cửa là tìm giải pháp khôi phục vận tải, hàng không, để người dân di chuyển vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tạo thuận lợi để khởi động trở lại hoạt động kinh doanh, sản xuất vốn bị ngưng trệ.

Tiền đề cho sự khôi phục vận tải là tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của người dân đang ngày càng tăng theo từng ngày. 

Tính tới 27/9 đã có hơn 40,2 triệu liều vắc xin được tiêm trên cả nước. Trong đó có khoảng 23 triệu người đã được tiêm 1 liều vắc xin và 8,6 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin đạt 43,9% .

Bộ Y tế cho biết đã phân bổ hơn 51,3 triệu liều vắc xin cho chiến dịch tiêm chủng trong cả nước.

Cần đưa thẻ xanh vắc xin vào thực tiễn

Trên cả nước hiện nay, nhiều tỉnh thành đã áp dụng "bình thường mới", một số nơi đã chuyển từ áp dụng Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, Chỉ thị 19, theo nhiều chuyên gia, hiệp hội, những di chuyển an toàn cần được nối lại. Cần phá bỏ các rào cản để những người đã tiêm vắc xin được lưu thông, sản xuất kinh doanh để đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội.

Liên quan về vấn đề này, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cũng cho rằng người khỏi bệnh và người đã tiêm vắc xin nên được di chuyển an toàn. 

"Cái cần hạn chế là di chuyển không an toàn, chứ không phải là di chuyển xanh bởi xã hội vẫn cần phải vận hành, không thể đưa hết mọi thứ về không", ông Thành nhấn mạnh.

Ngày 29/9, tại Hội nghị giao ban công tác 9 tháng năm 2021 của Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng nhấn mạnh khôi phục vận tải là vấn đề sống còn, không chỉ là với hàng không mà cả đường bộ, đường thuỷ. Đồng thời, để triển khai cần có quan điểm thống nhất trên cả nước.

Để chuẩn bị cho từng bước mở cửa sau 1/10, mới đây Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) công bố Dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch COVID-19.

Theo đó, với các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện mức độ bình thường mới, vận tải hành khách được phép hoạt động bình thường. Các địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 được tổ chức vận tải hành khách theo mức độ hạn chế tỷ lệ % phương tiện khách của từng phương thức vận tải. 

Tại các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 không tổ chức hoạt động vận tải nhưng Bộ đề xuất các cảng hàng không vẫn được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị 16.

Góp ý về dự thảo này, Bộ Y tế cho phép miễn yêu cầu xét nghiệm với hành khách đi máy bay, tàu hỏa đã tiêm một liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng. Nếu chưa tiêm vắc xin COVID-19, người dân muốn di chuyển bằng đường hàng không, đường sắt phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

a - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia kiến nghị cho phép cấp "thẻ xanh" thẻ xanh cho những người đã tiêm vắc xin để đi lại đường bộ và hàng không. (Ảnh minh hoạ: VietJet).

Tại buổi hội thảo "Tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam" tổ chức hồi đầu tháng 9, nhiều chuyên gia cũng đồng tình về việc nên sớm đưa hộ chiếu vắc xin, thẻ xanh vắc xin ứng dụng vào thực tiễn.

TS. Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), cho rằng hộ chiếu vắc xin là xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài. 

Việt Nam dịch chuyển theo đúng hướng đó, đề án hộ chiếu vắc xin tại Việt Nam cũng đang có tiến triển. Sắp tới Phú Quốc sẽ là nơi đầu tiên thực hiện dùng hộ chiếu vắc xin để đón du khách quốc tế.

Ông đề xuất phải dùng ngay hộ chiếu vắc xin để phục hồi và phát triển thị trường hàng không nội địa, du lịch nội địa. "Tất nhiên là song song đó chúng ta phải hướng đến thị trường quốc tế. Nhưng thị trường nội địa là thị trường của chúng ta, thị trường ngay ở đây và chúng ta có thể khai thác ngay được", ông nói.

Cũng nói về vấn đề "thẻ xanh, thẻ vàng", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) nhận thấy chưa có chỉ đạo chung của Chính phủ mà mỗi tỉnh thành tự đặt ra chuẩn mực. 

Do đó du khách rất khó đi du lịch xuyên vùng. Bởi "thẻ xanh, thẻ vàng" ở địa phương này chưa chắc đã phù hợp với địa phương khác. Ông kiến nghị Chính phủ cần phải có chính sách cụ thể về "thẻ xanh, thẻ vàng" mới có thể khai thông được luồng vận chuyển sau đó du lịch mới có thể phát triển theo.

Nối lại những chuyến bay 'xanh'

Với ngành hàng không, một trong những ngành đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi có tới 80 - 90% máy bay chịu cảnh "đắp chiếu" ở các sân bay và chỉ hoạt động cầm chừng 50 chuyến/ngày, việc nối lại các đường bay nội địa sẽ giúp hồi sinh ngành hàng không, kéo theo sự hồi phục của khu vực du lịch, dịch vụ và tiêu dùng.

Theo chia sẻ của TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết doanh thu tụt dốc khiến số nợ và tình trạng thiếu hụt dòng tiền của các hãng hàng không tiếp tục leo thang.

Đề xuất tiêm vắc xin được tự do di chuyển và kỳ vọng nhiều ngành nghề hồi sinh sau những chuyến bay 'xanh' - Ảnh 1.

Đường bay nội địa sắp được mở trở lại theo kế hoạch từng bước thích ứng với COVID-19 và dần khôi phục kinh tế. (Ảnh: Vietnam+).

Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways hiện đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trước tình hình đó, phía Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm đến thị trường để sớm phục hồi, sớm công nhận hộ chiếu vắc xin, từng bước khởi động lại đường bay quốc tế. 

Đối với đường bay nội địa, Hiệp hội kiến nghị cho phép những người tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính được sớm đi lại, làm việc, tuân thủ 5K và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn về dịch bệnh vừa khởi động lại việc đi lại, hỗ trợ việc phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, vắc xin là giải pháp phát triển kinh tế. Nền kinh tế đang kiệt quệ vì các biện pháp giãn cách kéo dài, đây là thời điểm thay đổi tư duy phòng chống dịch, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng.

Về phía các hãng hàng không, cần thiết kế các chuyến bay xanh, luồng xanh nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đây là giải pháp không tốn một đồng ngân sách nhưng lại góp phần giảm thiểu thiệt hại, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

VietJet Air cũng đưa ra ý tưởng kiểm soát chặt việc lây nhiễm bằng cách thực hiện test nhanh COVID-19 với hành khách ở ngay nhà ga. Giải pháp này khá khả thi với chi phí không quá đắt (khoảng 100.000 đồng/ lần) và cho kết quả nhanh chỉ trong 5 phút. Nếu hành khách có kết quả test nhanh âm tính thì sẽ được bay vằ không bị cách ly ở nơi đến.

Anh Đào