Vietnam Airlines vừa nhận thêm gần 6.900 tỷ đồng vốn Nhà nước từ SCIC
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đang thực hiện đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp nhằm tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.
Nhà nước (thông qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) đang sở hữu 86,19% vốn điều lệ của Vietnam Airlines nên được quyền mua 689,5 triệu cổ phiếu, trị giá 6.895 tỷ đồng. Chính phủ đã ủy quyền cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện giao dịch mua vào này.
Hôm nay 13/9, SCIC đã giải ngân số tiền 6.895 tỷ đồng để mua cổ phiếu Vietnam Airlines phát hành thêm, sở hữu tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của doanh nghiệp đầu ngành hàng không. Tỷ lệ sở hữu của "Siêu ủy ban" bị pha loãng còn 55,11%. Tổng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietnam Airlines vẫn là 86,19% như trước, chỉ bị tách ra làm hai phần.
Vietnam Airlines đã trải qua 6 quý thua lỗ liên tiếp, đang âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 17.700 tỷ, tài sản ngắn hạn chỉ bằng chưa đầy 1/5 nợ ngắn hạn, rủi ro thanh khoản lớn, các chỉ số tài chính đều đang diễn biến theo chiều hướng xấu.
Sở dĩ Vietnam Airlines có thể chào bán 800 triệu cổ phiếu để thu về 8.000 tỷ đồng là do đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc cách. Nếu làm đúng theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ như Vietnam Airlines sẽ không được phép phát hành thêm cổ phần để huy động vốn.
Việc đầu tư vào Vietnam Airlines, do vậy, là khá mạo hiểm và có thể dẫn tới rủi ro không bảo toàn vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, SCIC cho biết việc giải ngân tiền mua cổ phiếu HVN này là vì mục đích "khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội", khác với mục đích kinh doanh sinh lãi như với các thương vụ đầu tư khác của tổng công ty này.
SCIC cũng cho biết việc mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines sẽ góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Tổng Công ty Hàng không, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong khi Vietnam Airlines đang lao đao thì SCIC vẫn hoạt động tốt. Trong 6 tháng đầu năm nay, SCIC ghi nhận lãi sau thuế 5.734 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản tại ngày 30/6 đạt 65.938 tỷ, tăng gần 2.500 tỷ so với đầu năm và lớn hơn khoảng 4.700 tỷ so với Vietnam Airlines.
Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của SCIC lên tới hơn 32.000 tỷ đồng, cao gấp hàng chục lần Vietnam Airlines.
Trước khi SCIC giải ngân tiền mua cổ phần, Vietnam Airlines đã được ba nhà băng là Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Hàng Hải (MSB) và Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cấp gói tín dụng tổng trị giá 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Sau khi cho Vietnam Airlines vay, các nhà băng được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với lãi suất 0%, kỳ hạn tối đa là ba năm.
Hiện nay, SCIC là cổ đông lớn thứ 2 của Vietnam Airlines, chỉ sau Siêu ủy ban. Cổ đông lớn thứ 3 là tập đoàn hàng không ANA Holdings đến từ Nhật Bản. Trước đợt phát hành hiện tại, ANA sở hữu 8,77% vốn của Vietnam Airlines và được quyền mua thêm 70 triệu cổ phiếu HVN với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, bản thân ANA cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì COVID-19 nên đã không góp thêm vốn mà tặng toàn bộ số quyền mua nói trên cho người lao động của Vietnam Airlines. Sau đợt phát hành, tỷ lệ sở hữu của ANA bị pha loãng còn 5,6%.
Cổ phiếu HVN đã tăng liên tục 6 phiên gần đây, bao gồm hai phiên kịch trần với thanh khoản đột biến, tổng mức tăng lên tới gần 28%. Hiện nay cổ phiếu của Vietnam Airlines đã quay lại mức đầu năm 2020, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta.