|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

HVN quay lại giá trước dịch, nhiều cổ đông Vietnam Airlines đã ‘về bờ’

12:02 | 14/09/2021
Chia sẻ
Những nhà đầu tư mua cổ phiếu Vietnam Airlines trong hơn một năm qua phần lớn đã có lãi, chỉ ngoại trừ một số cổ đông từ chối quyền mua với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp trong đợt phát hành vừa qua.
HVN quay lại giá trước dịch, nhiều cổ đông Vietnam Airlines đã ‘về bờ’ - Ảnh 1.

Biến động giá cổ phiếu HVN trong khoảng hai năm qua, tính đến giữa phiên sáng 14/9/2021. (Nguồn: TradingView).

HVN lên đỉnh gần hai năm

Liên tục trong 6 phiên từ 6/9 đến hết 13/9, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đều tăng giá, trong đó có hai phiên kịch trần với thanh khoản đột biến.

Kết phiên 13/9, HVN dừng ở mức giá 26.800 đồng/cp, cao nhất kể từ ngày 2/1/2021 đến nay.

Sáng 14/9, HVN tiếp tục dư mua giá trần 28.650 đồng/cp, cao hơn 36% so với đầu tháng 9 và tăng 28% so với đầu năm.

Với việc HVN quay lại mức giá cuối năm 2019 – đầu 2020, nhiều nhà đầu tư từng mua cổ phiếu Vietnam Airlines trong gần hai năm qua và nắm giữ đến nay đều đã 'về bờ', tức là đã hòa vốn và ít nhiều có lãi.

Lưu ý rằng các mức giá kể trên là giá sau khi đã điều chỉnh cho đợt phát hành thêm 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4%. Cổ đông Vietnam Airlines tham gia đợt phát hành này sẽ được mua cổ phiếu HVN với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp và do vậy giá vốn sẽ được trung bình xuống đáng kể.

Nếu nhà đầu tư nào 'đu đỉnh' HVN vào giai đoạn tháng 3 – tháng 4 năm nay nhưng từ chối quyền mua cổ phiếu phát hành thêm thì hiện nay tài khoản vẫn nhuốm màu đỏ của sự thua lỗ.

Ngoài HVN, nhiều cổ phiếu hàng không khác cũng diễn biến khả quan trong thời gian qua. Xét theo khung thời gian một tháng và ba tháng gần đây, HVN là mã tăng mạnh nhất ngành hàng không.

HVN quay lại giá trước dịch, nhiều cổ đông Vietnam Airlines đã ‘về bờ’ - Ảnh 2.

Vietnam Airlines và ngành hàng không giữa cơn bão COVID-19

Ngành hàng không Việt Nam đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi mạng bay cả nội địa và quốc tế gần như đóng băng hoàn toàn, chỉ còn thực hiện một số chuyến bay đưa người dân hồi hương, vận chuyển trang thiết bị y tế và y bác sĩ phục vụ chống dịch, ...

Trong tháng 8 vừa qua, các hãng trong nước chỉ khai thác 875 chuyến bay, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ 2020.

Vietnam Airlines - doanh nghiệp có cổ phiếu tăng giá mạnh nhất - cũng là công ty có kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 bết bát nhất. Lỗ hợp nhất 6 tháng là 8.585 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6 là 17.772 tỷ, âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ.

HVN quay lại giá trước dịch, nhiều cổ đông Vietnam Airlines đã ‘về bờ’ - Ảnh 3.

Tuy vậy, Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không nói chung gần đây cũng đón nhận nhiều thông tin tích cực. 

Số ca phát hiện dương tính và tử vong vì COVID-19 tại TP HCM đang có chiều hướng giảm. Chính quyền trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đã nới lỏng một số biện pháp chống dịch như cho phép quán ăn được mở cửa trở lại và bán hàng mang đi, cho phép shipper được chạy liên quận bắt đầu từ tuần này, ...

Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, các đường bay trong nước sẽ có thể sớm được nối lại.

Ngày 13/9, Cục Hàng không cho biết đơn vị này đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải về Dự thảo kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19. 

Cục Hàng không xây dựng kế hoạch này với mục tiêu duy trì vận tải hàng không nội địa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương. Kế hoạch của Cục Hàng không chia quá trình phục hồi làm ba giai đoạn.

Giai đoạn 1: tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng không vượt quá 50% so với tuần đầu tiên tháng 4/2021 của hãng hàng không đó;

Giai đoạn 2: tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng không vượt quá 70% so với tuần đầu tiên tháng 4/2021 của hãng đó;

Giai đoạn 3: tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng không vượt quá so với tuần đầu tiên tháng 4/2021 của hãng đó và được khai thác theo nhu cầu thực tế khi toàn bộ các địa phương tại Việt Nam dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

HVN quay lại giá trước dịch, nhiều cổ đông Vietnam Airlines đã ‘về bờ’ - Ảnh 5.

Một tàu bay A321 của Vietnam Airlines và một chiếc A321 của Vietjet Air. (Ảnh: Đức Quyền).

Ngày 10/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến đảo Phú Quốc.

Cụ thể, Phú Quốc sẽ được thí điểm đón khách quốc tế trong thời gian 6 tháng, dự kiến từ tháng 10/2021, có thể điều chỉnh thời gian thực hiện hợp lý, tùy vào tình hình thực tế.

Đối tượng được thực hiện thí điểm là khách du lịch quốc tế có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh, hoặc du khách có chứng nhận đã khỏi COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng. 

Du khách phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (bằng tiếng Anh) với kết quả âm tính, đã đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Riêng với Vietnam Airlines, tổng công ty này đã được ba ngân hàng giải ngân gói vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ tháng 7 vừa qua. 

Ngoài ra, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng vừa chi gần 6.900 tỷ đồng để mua 690 triệu cổ phiếu HVN phát hành thêm, mang lại cho Vietnam Airlines nguồn thanh khoản quý giá và tạm đẩy lùi nguy cơ phá sản.

Đức Quyền