|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dù không đạt miễn dịch cộng đồng, ngành hàng không vẫn có thể bật dậy

08:40 | 07/09/2021
Chia sẻ
Hy vọng phục hồi của ngành hàng không được đặt vào tiến trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên diện rộng và công nghệ hộ chiếu vắc xin.

Dù không đạt miễn dịch cộng đồng, ngành hàng không vẫn có thể bật dậy - Ảnh 1.

Công nhân tháo dỡ hàng hóa khỏi tàu bay của Vietjet Air. (Ảnh: Bloomberg).

Khó đạt miễn dịch cộng đồng

Theo số liệu của Bộ Y tế tính đến sáng 7/9, tổng số vắc xin COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam là 22 triệu liều, trong đó có 18,67 triệu liều mũi 1 và 3,34 triệu liều mũi 2. Như vậy đến nay đã có khoảng 22,5% dân số nước ta được tiêm ít nhất một liều vắc xin.

Trước đây, các chính phủ và chuyên gia y tế thường cho rằng chỉ cần tiêm vắc xin cho 70% dân số là có thể đạt miễn dịch cộng đồng và hoạt động trong điều kiện bình thường mới.

Tuy nhiên sự xuất hiện và lan rộng của biến thể Delta cho thấy các loại vắc xin hiện nay chưa thể ngăn được lây nhiễm COVID-19. Theo chuyên gia hàng không, TS. Lương Hoài Nam, nhiều quốc gia phát triển đã tiêm chủng vắc xin trên diện rộng nhưng số ca nhiễm mới vẫn rất cao.

Chẳng hạn tại Anh, đã có 71% dân số được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, trong đó có 64% dân số được tiêm chủng đầy đủ, nhưng hàng ngày vẫn có thêm 30.000 – 35.000 ca dương tính.

Israel đã có 68% dân số được tiêm nhưng cũng có khoảng 10.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Ông Lương Hoài Nam cho rằng trong các loại vắc xin hiện nay không thể tạo ra được miễn dịch cộng đồng nhưng lại có tác dụng chống tử vong rất tốt, thường đạt trên 90%.  

"Nếu chúng ta tiêm vắc xin, chỉ cần một liều thôi chưa cần phải tiêm đến hai liều, nếu chẳng may có bị nhiễm COVID có thể chỉ có triệu chứng nhưng rồi cũng qua khỏi, rủi ro tử vong là rất thấp. Đấy là cái giá trị lớn nhất của vắc xin", ông Nam phát biểu trong Hội thảo trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam trong đại dịch COVID-19" do báo VietNamNet tổ chức.

Theo ông Nam, chúng ta phải tiêm rất nhiều vắc xin, không phải cho 70% mà tiêm cho 100% dân số, không phải cho người từ 18 tuổi trở lên mà cho cả trẻ em để giảm khả năng tử vong.

"Chúng ta hướng tới toàn xã hội mà 100% người dân được tiêm vắc xin. Và khi đó cũng phải hình dung rằng những người chưa hoặc không tiêm vắc xin phải chấp nhận những thiệt thòi, sự đối xử không được bình đẳng như những người đã tiêm vắc xin. Cái đó ở châu Âu hay Mỹ cũng đang làm".

Tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Goldman Sachs đã yêu cầu các nhân viên phải tiêm chủng đầy đủ trước khi quay trở lại văn phòng làm việc. Hãng hàng không Delta Air Lines thì quy định những nhân viên không tiêm vắc xin COVID-19 sẽ phải trả thêm 200 USD/tháng tiền bảo hiểm y tế.

Một hãng hàng không lớn khác của Mỹ là United Airlines thì yêu cầu toàn bộ 67.000 nhân viên phải tiêm chủng xong trước ngày 25/10, nếu không có thể bị cho thôi việc.

Bộ Y tế mới đây đã yêu cầu Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải bao phủ vắc xin mũi 1 cho 100% người dân trước ngày 15/9. "Vắc xin không chỉ cứu người mà còn cứu cả nền kinh tế", ông Nam nhận xét.

Bây giờ chỉ có vắc xin và vắc xin, không chỉ để cứu người mà còn cứu nền kinh tế, trong đó có các hãng hàng không.

TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không


Kỳ vọng lớn vào hộ chiếu vắc xin

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho rằng hộ chiếu vắc xin nên được hiểu là một phần mềm ghi nhận tình trạng của một người liên quan đến COVID-19, gồm các trường hợp như 1) âm tính sau xét nghiệm PCR; 2) tiêm đủ vắc xin, một hoặc hai liều tùy theo nhà sản xuất; và 3) bệnh nhân đã nhiễm và được điều trị khỏi.

Hiện nay ở Việt Nam có cả ba nhóm đối tượng kể trên. Năm ngoái, Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp các bộ ngành triển khai hộ chiếu vắc xin. Đã có nhiều việc được làm nhưng đến nay khái niệm về hộ chiếu vắc xin cũng chưa thống nhất, ông Cường cho biết.

Dù không đạt miễn dịch cộng đồng, ngành hàng không vẫn có thể bật dậy - Ảnh 4.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. (Ảnh: Đức Quyền).

TS. Lương Hoài Nam cho biết hộ chiếu vắc xin là xu thế toàn cầu và chúng ta không thể đứng ngoài. Rất phấn khởi rằng hiện nay, Việt Nam đang đi theo đúng hướng đó và Phú Quốc sẽ là nơi đầu tiên dùng hộ chiếu vắc xin để đón khách du lịch quốc tế.

Phó Cục trưởng Võ Huy Cường nêu lên vấn đề rằng phần mềm hộ chiếu vắc xin phải đảm bảo tính riêng tư và chống giả mạo, bởi vì phần mềm này được áp dụng ở cả trong nước lẫn quốc tế. Vấn đề đặt ra là Chính phủ phải đứng ra để đàm phán với các chính phủ khác để công nhận lẫn nhau về cái mà ta gọi là hộ chiếu vắc xin.

TS. Lương Hoài Nam thì khuyến nghị dùng ngay hộ chiếu vắc xin để phục hồi và phát triển thị trường nội địa, nếu chờ dịch hết thì không biết đến bao giờ. Hiện nay, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 22 triệu liều vắc xin, số lượng người tiêm đủ hai liều đã lên đến hàng triệu.

"Bây giờ, chúng ta phải ngay lập tức sử dụng hộ chiếu vắc xin của người Việt Nam cho việc mở lại thị trường hàng không và du lịch nội địa. Tất nhiên là song song đó chúng ta phải hướng đến thị trường quốc tế. Nhưng thị trường nội địa là thị trường của chúng ta, thị trường ngay ở đây tất cả nằm trong quyền quyết định của chúng ta và không phải thương thuyết với nước nào", ông Nam đề xuất.

Đức Quyền