Hỗ trợ hãng hàng không cần căn cứ theo thị phần và đóng góp, không phải theo sở hữu Nhà nước hay tư nhân
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 và thứ 4 rơi vào mùa cao điểm bay Tết Nguyên đán và du lịch hè 2021 đã khiến doanh thu vận tải của các hãng hàng không Việt giảm trên 90% so với cùng kỳ.
Từ đầu tháng 5 đến nay, hầu hết mạng bay - không chỉ quốc tế mà cả trong nước - đều bị đóng băng. Trong khi đó mỗi tháng các hãng vẫn phải chi trên 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng 200 máy bay và trả lương cho nhân viên.
Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn trả của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways hiện đã vượt 40.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Trong đó, riêng Vietnam Airlines tính đến 30/6 nợ quá hạn với các đối tác, nhà cung cấp lên đến 13.337 tỷ đồng, lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ và âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ.
Mặc dù trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm nay, Vietjet báo lãi nhưng đó là nhờ bán tài sản, bán cổ phiếu quỹ và kinh doanh tài chính. Nếu chỉ xét riêng mảng vận tải hàng không, Vietjet cũng lỗ lớn. Bamboo Airways cũng không khả quan hơn.
Nếu chỉ xét theo tần suất chuyến bay, hoạt động của ngành hàng không Việt Nam những tháng vừa qua cũng đình trệ như giai đoạn giãn cách xã hội toàn quốc hồi tháng 3-4/2020.
Tuy nhiên, tình cảnh hiện nay nguy ngập hơn 2020 rất nhiều vì các quỹ dự phòng đã cạn, "sức chịu đựng của doanh nghiệp đã mòn mỏi hơn so với năm ngoái", chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực nhận xét.
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam trong đại dịch COVID-19" do báo VietNamNet tổ chức, TS. Cấn Văn Lực cho biết tổng các gói hỗ trợ cho ngành hàng không trên toàn thế giới trong đại dịch là khoảng 225 tỷ USD.
Số tiền này được chia làm ba cấu phần quan trọng: 65% là trợ cấp, cho vay ưu đãi, góp vốn cổ phần, hoặc bơm tiền mặt; 25% là trợ cấp tiền lương và trợ cấp các chuyến bay; 10% là giảm thuế phí, không phạt những khoản trả chậm.
Đa phần các nước đều coi hàng không là lĩnh vực quan trọng, cần quan tâm hỗ trợ. Các hãng hàng không rất khó khăn nhưng ít khi phá sản vì chính phủ vào cuộc quyết liệt.
Tại Việt Nam, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho toàn ngành như miễn giảm phí dịch vụ hàng không, cơ cấu lại nợ, lãi vay, … nhưng đều đã hết hạn.
Riêng Vietnam Airlines được chấp thuận một số cơ chế đặc thù như thay đổi cách tính chi phí khấu hao, hỗ trợ thanh khoản 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi và cho phép phát hành tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng dù làm ăn thua lỗ. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air không được hưởng các cơ chế này.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định: "Chúng ta không nên phân biệt doanh nghiệp của Nhà nước hay không của Nhà nước, mà chúng ta nên quan điểm doanh nghiệp của quốc gia hay không của quốc gia. Hỗ trợ phải bình đẳng. Nền tảng của sự cạnh tranh phải bình đẳng".
ÔNG NGUYỄN SỸ DŨNG
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
"Hỗ trợ phải bình đẳng. Nền tảng của sự cạnh tranh phải bình đẳng".
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ GTVT) cũng cho rằng các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways cần được hưởng chính sách tương tự như Vietnam Airlines để tạo bình đẳng.
"Năm 2020, các hãng báo lãi vì lúc này vẫn còn những hoạt động khác, trong đó có cả vận chuyển nội địa. Nhưng năm 2021 thì thực sự khó khăn", ông Cường cho hay.
TS. Cấn Văn Lực tỏ ý đồng tình với ông Nguyễn Sỹ Dũng: "Chúng ta phải hỗ trợ công bằng. Mức độ hỗ trợ từng hãng cần căn cứ vào đóng góp, thị phần, lan tỏa, giải quyết việc làm khác nhau của từng hãng. Chúng ta có một ngành hàng không cạnh tranh và rõ ràng là người tiêu dùng đã hưởng lợi rất nhiều trong thời gian qua vì có sự cạnh tranh ấy".
Theo nghiên cứu của ông Lực, Vietnam Airlines và hai hãng bay thành viên là Pacific Airlines và Vasco nắm tổng cộng 51% thị phần, Vietjet chiếm khoảng 36% và Bamboo Airways khoản 13%.
"Chính phủ cần cho hai hãng bay tư nhân được vay tái cấp vốn quy mô 4.000 tỷ đồng thời hạn ba năm tương tự như hỗ trợ cho Vietnam Airlines. Tổng hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước khoảng 480 tỷ đồng", ông Lực ước tính.