|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines sẽ làm gì với gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng?

10:47 | 16/07/2021
Chia sẻ
Gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng chỉ đủ để Vietnam Airlines trả một phần nợ quá hạn. Khoản 8.000 tỷ đồng dự kiến thu từ phát hành cổ phiếu sẽ giúp hãng tăng cường hoạt động kinh doanh.
Vietnam Airlines sẽ làm gì với gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines tổ chức ngày 14/7/2021. (Ảnh: Vietnam Airlines).

Từ cuối năm 2020, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương hỗ trợ tài chính cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) thông qua hai chính sách:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng đã cấp tín dụng ưu đãi lãi suất 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines. 

Thứ hai, Vietnam Airlines được phép chào bán cổ phiếu ra công chúng để huy động 8.000 tỷ đồng mặc dù kết quả kinh doanh năm liền trước là thua lỗ, tức là Vietnam Airlines không cần đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định trong Điều 15 Luật Chứng khoán 2019. 

Vay 4.000 tỷ để Vietnam Airlines trả nợ quá hạn

Ngày 7/7 vừa qua, tổng công ty đã ký hợp đồng cấp tín dụng với ba ngân hàng là MSB, SHB và SeABank để chuẩn bị nhận khoản vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng. 

Ba ngân hàng nói trên khi tái cấp vốn tại NHNN sẽ không cần tài sản bảo đảm và được hưởng lãi suất tái cấp vốn 0%, nhưng Vietnam Airlines vẫn sẽ cần tài sản bảo đảm khi vay và phải trả lãi suất, tuy rằng thấp hơn mặt bằng lãi suất thị trường. Dự kiến tiền vay sẽ về trong tháng 7 này.

Đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines tổ chức ngày 14/7 vừa qua đã phê duyệt kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp. Theo Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền, việc chào bán hy vọng sẽ hoàn tất trong quý III.

Vietnam Airlines sẽ làm gì với gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng? - Ảnh 3.

Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền. (Ảnh: Đức Quyền).

Như vậy trong vài tháng tới, Vietnam Airlines sẽ nhận về đủ 12.000 tỷ đồng trong kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước.

Khi được hỏi tổng công ty sẽ làm gì với số tiền nhận được, ông Trần Thanh Hiền cho biết số 4.000 tỷ đồng vay từ các ngân hàng sẽ được dùng để trả một phần các khoản nợ quá hạn với nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ.

Ông Hiền nhấn mạnh là Vietnam Airlines chỉ trả một phần chứ không trả được toàn bộ. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2021, Vietnam Airlines đang nợ quá hạn tới 6.200 tỷ đồng.

"Để sử dụng 4.000 tỷ đồng này có hiệu quả, Vietnam Airlines sẽ gắn việc thanh toán nợ với quá trình đàm phán với các chủ nợ để có được lịch thanh toán hợp lý nhất, tối đa hóa các lợi ích mà tổng công ty có thể đạt được như giảm, giãn, hoãn nợ từ các nhà cung cấp, tổ chức tín dụng", ông Hiền nói thêm.

"Chúng tôi đã lập kế hoạch rất chi tiết, đảm bảo đánh giá đúng mức độ, tính công bằng của các chủ nợ, tối ưu lợi ích của công ty", Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết.

Vietnam Airlines sẽ làm gì với gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng? - Ảnh 4.

Cổ đông góp thêm 8.000 tỷ để phục vụ kinh doanh

Với số tiền 8.000 tỷ đồng sắp thu được từ phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4%, Vietnam Airlines sẽ có đủ nguồn vốn để trả nợ và còn dư cho hoạt động kinh doanh.

"Chúng ta sẽ có nguồn vốn hỗ trợ hoạt động trong bối cảnh rất khó khăn. Số tiền 8.000 tỷ đồng từ cổ đông cũng có thể giúp Vietnam Airlines tránh được nguy cơ âm vốn chủ sở hữu, đồng thời làm lành mạnh hơn các chỉ số trên bảng cân đối kế toán", ông Trần Thanh Hiền phát biểu.

Cổ đông Nhà nước hiện nay đang nắm giữ 86,2% vốn điều lệ của Vietnam Airlines, tương đương hơn 1,22 tỷ cổ phiếu HVN, và do vậy sẽ được quyền mua gần 690 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán sắp tới. 

Vietnam Airlines sẽ làm gì với gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng? - Ảnh 5.

Nguồn: Đức Quyền tổng hợp từ HVN.

Chính phủ đã giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện toàn bộ quyền mua của cổ đông Nhà nước tại Vietnam Airlines.

Cổ đông chiến lược ANA Holdings Inc. (Nhật Bản) sẽ có quyền mua hơn 70 triệu cổ phiếu.

"Khi gói 12.000 tỷ được giải ngân, Vietnam Airlines sẽ giải quyết được những thâm hụt phát sinh trong năm 2020 nhưng không giải quyết được triệt để những khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như quy mô lỗ trong năm 2021", Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền nói. 

Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa nhận định dịch COVID-19 bùng phát đúng vào đợt cao điểm Tết Nguyên đán và sau đó là từ trước 30/4 kéo dài sang giai đoạn cao điểm hè đã khiến cho hoạt động vận tải hàng không gặp vô vàn khó khăn.

Vietnam Airlines còn cần nhiều giải pháp tái cơ cấu toàn diện hơn, cả từ sự hỗ trợ của Chính phủ lẫn các biện pháp tự thân. Trong tương lai, Vietnam Airlines rất có thể sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn nhiều lần nữa, có thể là chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán riêng lẻ, ông Hiền cho hay.

Nếu bán riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài, cơ cấu cổ đông của Vietnam Airlines sẽ có thay đổi, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm từ 86,2% hiện nay xuống còn khoảng 50-65% để phù hợp với Quyết định 22 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính mới ban hành ngày 2/7 vừa qua.

Theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7, những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau:

1. Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn.

2. Sản xuất hóa chất cơ bản.

3. Vận chuyển hàng không.

4. Đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường.

5. Sản xuất thuốc lá điếu.

6. Cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Những doanh nghiệp đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đức Quyền - Song Ngọc