|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines sắp được bơm 4.000 tỷ đồng, các chủ nợ cũng vui lây

18:40 | 25/06/2021
Chia sẻ
Việc Vietnam Airlines sắp được giải ngân 4.000 tỷ đồng vay ưu đãi cũng có nghĩa là một số chủ nợ của Tổng công ty này sẽ được hoàn trả một phần tiền đã cho vay.

Tin vui cho cổ đông và chủ nợ trong ngày đại hội

Ngày 14/7 tới đây, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Tại đại hội này, dự kiến ban lãnh đạo Tổng công ty sẽ cập nhật tiến độ khoản vay hỗ trợ thanh khoản trị giá 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp mà Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gật đầu từ lâu.

Trong một sự kiện ngày 21/6 vừa qua, đại diện NHNN cho biết ba ngân hàng là SHB, MSB và SeABank đã đồng ý cấp gói tín dụng 4.000 tỷ đồng này cho Vietnam Airlines, dự kiến giải ngân trong cuối tháng 6 và đầu tháng 7.

Ngoài ra, Đại hội cũng có thể sẽ thông qua chi tiết phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 8.000 tỷ đồng. Đại hội bất thường ngày 29/12/2020 đã phê duyệt chủ trương phát hành thêm nhưng chưa xác định cụ thể giá và số lượng cổ phiếu chào bán.

Vietnam Airlines sắp được bơm 4.000 tỷ đồng, các chủ nợ cũng vui lây - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông bất thường của Vietnam Airlines tổ chức ngày 29/12/2020. (Ảnh: Đức Quyền).

Theo Chứng khoán HSC, Vietnam Airlines có thể phát hành 800 triệu cổ phiếu ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp hoặc bán 593 triệu cổ phiếu với giá 13.500 đồng/cp. Như vậy, vốn điều lệ của Vietnam Airlines sẽ tăng từ 14.183 tỷ đồng hiện nay lên 22.183 tỷ hoặc 20.113 tỷ.

Ở cả hai kịch bản, Vietnam Airlines đều giành lại ngôi đầu vốn điều lệ từ tay Bamboo Airways. Hãng bay mang thương hiệu cây tre của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng vào ngày 26/4 và đứng trên Vietnam Airlines từ đó đến nay.

Số tiền huy động thêm này sẽ được Vietnam Airlines dùng để thanh toán các khoản nợ quá hạn, bù đắp vốn thiếu hụt trong sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn và tuyệt đối không dùng để đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Vietnam Airlines làm gì với 4.000 tỷ đồng?

Quá trình hoàn thành các thủ tục để chào bán cổ phần sẽ phải mất nhiều tháng nữa mới hoàn thành nên trước mắt Vietnam Airlines chỉ có thể bổ sung thanh khoản bằng gói tín dụng ưu đãi lãi suất 4.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, tại ngày cuối năm 2020 Vietnam Airlines có 6.640 tỷ đồng nợ đã quá hạn thanh toán, chưa kể các khoản đã được giãn thời hạn trả. Theo thông tin từ Bộ Công Thương vào giữa tháng 6/2021, Tổng công ty đang nợ quá hạn hơn 6.200 tỷ.

Như vậy, gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng từ MSB, SHB và SeABank có thể giúp Vietnam Airlines trả gần 2/3 số nợ quá hạn.

Hiện không rõ các chủ nợ quá hạn gồm những ai, nhưng nói chung áp lực trả nợ trong năm 2021 của Vietnam Airlines là tương đối lớn. Nợ ngắn hạn tại ngày 1/1/2021 là hơn 32.700 tỷ đồng, cao gấp 4 lần tài sản ngắn hạn.

Riêng các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã là gần 11.200 tỷ đồng, trong đó bao gồm 4.400 tỷ vay và nợ thuê tài chính dài hạn nhưng đến hạn trả trong vòng 12 tháng.

Các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay nhiều nhất (tại ngày 31/12/2020) là Vietcombank (Mã: VCB), BIDV (Mã: BID), VietinBank (Mã: CTG), …

Ngoài các chủ nợ là ngân hàng còn phải kể đến các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Tại ngày 31/3 năm nay, Vietnam Airlines đang nợ Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) hơn 1.000 tỷ đồng.

Vietnam Airlines sắp được bơm 4.000 tỷ đồng, các chủ nợ cũng vui lây - Ảnh 3.

Giúp Vietnam Airlines hay giúp các ngân hàng?

Sau khi giải ngân khoản vay 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines, ba nhà băng là MSB, SHB và SeABank sẽ được NHNN tái cấp vốn. Vietnam Airlines vẫn phải trả lãi suất và có tài sản bảo đảm, còn ba ngân hàng sẽ được hưởng lãi suất tái cấp vốn 0% và không cần tài sản thế chấp với NHNN.

Ở đây, NHNN đóng vai trò là người cho vay cuối cùng nhưng không phải để giải cứu một tổ chức tín dụng mà là giúp một công ty trong ngành hàng không.

Theo chuyên gia kinh tế PGS. TS. Phạm Thế Anh, đây không phải lần đầu tiên NHNN ra tay giải cứu một công ty lớn ngoài ngành tài chính. Những năm 2015 – 2016, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nợ hàng chục nghìn tỷ đồng của các ngân hàng trong nước, trong đó BIDV là chủ nợ lớn nhất với dư nợ trên 10.000 tỷ đồng. NHNN cũng đã có biện pháp tương tự.

"Thực chất khi đó đối tượng cần NHNN giải cứu hơn là BIDV, chứ không phải HAGL", chuyên gia Phạm Thế Anh nhận định.

Trên thế giới cũng có những mẫu hình tương tự. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tập đoàn bảo hiểm AIG được giải cứu bằng gần 160 tỷ USD tiền thuế của dân Mỹ. Ngay khi nhận được số tiền này, AIG trả cho ngân hàng Goldman Sachs 14 tỷ USD. Có thể nói chính phủ Mỹ đã gián tiếp cứu trợ Goldman Sachs thông qua AIG.

Nói về câu chuyện ở Việt Nam, PGS. TS. Phạm Thế Anh đặt vấn đề: "Việc giải cứu bằng tái cấp vốn từ NHNN luôn là vấn đề về tính công bằng giữa các doanh nghiệp. Vietjet Air hay Bamboo Airways đều đang là những doanh nghiệp cùng ngành chịu ảnh hưởng tương tự từ COVID-19, vậy liệu họ có cần giải cứu?"

Các hãng bay tư nhân không công khai quá nhiều thông tin về tình thế khó khăn của mình, nhưng chắc chắn hoàn cảnh cũng rất éo le. Trong tháng từ 19/5 đến 18/6, số chuyến bay mà Vietjet Air khai thác giảm tới 81% so với tháng liền trước. Bamboo Airways giảm 66%, Vietnam Airlines sụt gần 72%. Tổng cả ngành giảm 76%.

Giải cứu các hãng tư nhân sẽ vừa giúp tạo môi trường kinh doanh công bằng, lại vừa tạo tác động tích cực lan tỏa ra các ngân hàng, nhà cung cấp, người lao động, ...

Song Ngọc