Ông Lee Meng Tat xin từ nhiệm HĐQT Vinamilk

Ảnh: Vinamilk.
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) vừa nhận được đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập của ông Lee Meng Tat vì lý do thay đổi người đại diện của cổ đông lớn. Việc từ nhiệm sẽ bắt đầu có hiệu lực sau khi được ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 phê duyệt.
Nếu tính cả ông Lee Meng Tat, hiện tại, HĐQT của Vinamilk có 10 người, trong đó ông Nguyễn Hạnh Phúc giữ vai trò Chủ tịch.
Ông Lee Meng Tat sinh năm 1963, có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA), Đại học Hoàng Gia, Anh Quốc (năm 1997). Ông được Vinamilk giới thiệu là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, quản lý kinh tế tại nhiều tổ chức tư nhân và cơ quan nhà nước.
Ông từng là Trợ lý Trưởng Bộ phận Phát triển Kinh doanh Quốc tế - Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore từ năm 1993 đến năm 1994.
Từ năm 1994 đến năm 1996, ông giữ vị trí Phó Giám đốc, Phụ trách du lịch vùng thuộc Hội đồng Du lịch Singapore.
Trong khoảng thời gian hơn 23 năm (1999 – 2022), ông đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao ở các công ty trong lĩnh vực Hàng tiêu dùng và Du lịch như Fraser & Neave, Heineken - APB (Trung Quốc), Công ty TNHH Dịch vụ Quản trị, Công ty TNHH Nhà máy bia Châu Á – Thái Bình Dương, và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Singapore.
Ông Lee Meng Tat đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT không điều hành tại Vinamilk từ tháng 9/2016. Bên cạnh đó, ông còn đảm nhiệm chức Giám đốc Điều hành, ngành nước giải khát không cồn, Fraser & Neave Ltd và là Thành viên HĐQT của Fraser & Neave Holdings Berhad.
Tại Vinamilk, ông Lee Meng Tat là đại diện cho cổ đông ngoại F&N Dairy Investments với tỷ lệ sở hữu tính đến ngày 18/2 là 17,69% vốn. Nhóm cổ đông này đang dự định mua thêm hơn 20,8 triệu cổ phiếu VNM, để tăng tỷ lệ nắm giữ lên 18,69% vốn trong giai đoạn ngày 19/2 đến 20/3 theo hình thức thoả thuận hoặc khớp lệnh qua sàn.
F&N Dairy Investments Pte. Ltd - nhà đầu tư thuộc tập đoàn đồ uống do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát. Công ty này bắt đầu rót vốn vào Vinamilk từ năm 2005. Cuối năm 2016, F&N Dairy Investments cùng với F&NBev Manufacturing chi gần 500 triệu USD (tương đương khoảng 11.286 tỷ đồng) để mua 80 triệu cổ phần, tức 60% khối lượng cổ phiếu do SCIC chào bán công khai theo phương án thoái vốn nhà nước. Mức giá mua vào tại thời điểm đó cao hơn so với thị trường gần 7%. Trong đó, bản thân F&N Dairy Investments đã chi ra khoảng 5.643 tỷ đồng để sở hữu hơn 39 triệu cổ phiếu.

Năm 2024, lợi nhuận của Vinamilk lên cao nhất ba năm. (Ảnh minh hoạ: MH).
Về tình hinh kinh doanh của Vinamilk, lũy kế cả năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất đạt 61.824 tỷ đồng, tăng 2,2% so với 2023 và hoàn thành 98% kế hoạch năm. Trong đó doanh thu thuần trong nước đạt 50.799 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 0,4% và doanh thu thuần nước ngoài đạt 10.983 tỷ đồng, tăng 12,6%.
Vinamilk báo lãi sau thuế 9.453 tỷ đồng cả năm, tăng 4,8% và vượt kế hoạch 77 tỷ đồng và là kết quả cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Doanh nghiệp số 1 ngành sữa cho biết động lực tăng trưởng từ hoạt động xuất khẩu không chỉ đến từ các thị trường truyền thống mà còn từ các thị trường cao cấp như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ nhờ phục vụ hiệu quả tập khách hàng là Việt kiều tại các quốc gia này. Một số thị trường cao cấp đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng từ hai đến ba chữ số so với cùng kỳ.