Cơ cấu dân số vàng (Golden population structure) là gì? Khó khăn và giải pháp
Hình minh hoạ (Nguồn: dinhnghia)
Cơ cấu dân số vàng
Khái niệm
Cơ cấu dân số vàng trong tiếng Anh được gọi là Golden population structure.
- Cơ cấu dân số vàng được hiểu là số người trong độ tuổi lao động tăng gấp hai lần số người phụ thuộc.
Có ba tỉ số phụ thuộc, đó là
+ Tỉ số phụ thuộc trẻ em (được tính bằng tỉ số giữa số trẻ em với 100 người trong độ tuổi lao động);
+ Tỉ số phụ thuộc già (được tính bằng tỉ số giữa số người cao tuổi với 100 người trong độ tuổi lao động);
+ Tỉ số phụ thuộc chung (được tính bằng tổng hai tỉ số phụ thuộc trên). 2 tỉ số phụ thuộc chung cho biết trung bình 100 người trong độ tuổi lao động phải "gánh đỡ" cho bao nhiêu người ngoài độ tuổi lao động.
Khi tỉ số phụ thuộc chung nhỏ hơn 50 thì "gánh nặng" thấp bởi trung bình một người ngoài độ tuổi lao động được "hỗ trợ" bởi hơn hai người trong độ tuổi lao động.
Khi dân số đạt được tỉ số phụ thuộc chung như vậy, chúng ta coi dân số đó đang đạt "cơ cấu vàng". "Cơ cấu dân số vàng" sẽ kết thúc khi tỉ số phụ thuộc chung bắt đầu tăng trở lại và vượt ngưỡng 50.
- Theo cách khác, trong Báo cáo kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2009, Tổng cục Thống kê định nghĩa cơ hội dân số vàng xảy ra khi tỉ lệ trẻ em (0-14) thấp hơn 30% và tỉ lệ người cao tuổi (65 trở lên) thấp hơn 15%.
- Trong nhiều nghiên cứu, Andrew Mason, Ronald Lee và cộng sự tiếp cận bằng tỉ số hỗ trợ - đo bằng tỉ số giữa dân số hoạt động kinh tế với dân số không hoạt động kinh tế - và khi nào tốc độ tăng của tỉ số lớn hơn 0 thì dân số được coi là bước vào thời kì cơ hội dân số vàng.
Cơ cấu dân số vàng thường kéo dài từ 30 đến 35 năm, thậm chí dài hơn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã biết tận dụng triệt để cơ hội này để tạo nên những kì tích trong phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển.
Khó khăn
Cơ cấu dân số vàng cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần giải quyết, như: Tốc độ tăng nhanh của số dân trong độ tuổi lao động sẽ có thể trở thành gánh nặng cho xã hội, nếu quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp.
Giải pháp
Theo các chuyên gia, để khắc phục những hạn chế và phát huy lợi thế của cơ cấu "dân số vàng", cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Tiếp tục duy trì mức sinh hợp lí nhằm kéo dài thời gian cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hóa dân số.
Tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn;
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Ðẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực từng nghề, ngành.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động.
Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác đăng kí, quản lí và thống kê dân số, bảo đảm cung cấp chính xác, hiệu quả và kịp thời các số liệu cơ bản về dân số, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, triển khai chính sách trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh và đa dạng.
(Tài liệu tham khảo: Báo Nhân dân. Quĩ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)