|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết dân số học trung tính (Balanced views) là gì? Mối liên hệ với tăng trưởng kinh tế

15:27 | 03/12/2019
Chia sẻ
Lí thuyết dân số học trung tính (tiếng Anh: Balanced views) cho rằng tăng dân số tác động đến tăng trưởng kinh tế qua nhiều kênh khác nhau mà những kênh này có thể lại tác động tích cực hoặc tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
optimism_vs_pessimism_by_lt_frogg-d8l0j0s

Hình minh hoạ (Nguồn: bebloggerofficial)

Lí thuyết dân số học trung tính

Khái niệm

Lí thuyết dân số học trung tính trong tiếng Anh được gọi là Balanced views.

Lí thuyết dân số học trung tính là một trong ba luận điểm về mối liên hệ dân số và tăng trưởng kinh tế.

Vào đầu những năm 1990, một nhóm các nhà dân số học khác đánh giá tác động của tăng dân số đến tăng trưởng kinh tế ở một góc độ rộng hơn và thận trọng hơn. 

Họ đại diện cho những người theo lí thuyết dân số học "trung tính" với quan điểm cho rằng tăng dân số tác động đến tăng trưởng kinh tế qua nhiều kênh khác nhau mà những kênh này có thể lại tác động tích cực hoặc tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. 

Ví dụ, Srinivan (1988) cho rằng tăng trưởng kinh tế là sản phẩm của hàng loạt các chính sách và thể chế phù hợp chứ không chỉ đơn thuần là do nhân tố dân số. 

Ba lĩnh vực quan trọng được tập trung nghiên cứu trong dòng lí thuyết này nhằm đánh giá tác động của tăng dân số đến tăng trưởng kinh tế là tài nguyên tự nhiên, tiết kiệm, và phương thức đa dạng hóa nguồn lực.

Trong những năm gần đây, yêu cầu tìm hiểu và đánh giá cụ thể hơn mối quan hệ giữa biến động dân số với tăng trưởng kinh tế ngày càng cấp thiết hơn.

Đặc biệt với các nước đang phát triển đang trải nghiệm những biến động dân số mạnh mẽ do tác động của các chính sách dân số thì nhu cầu này lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cho đến nay, lịch sử dân số học đã trải qua ba quan điểm về mối quan hệ giữa dân số và tăng trưởng kinh tế với những lí luận và bằng chứng khác nhau:

(1) Lí thuyết dân số học "bi quan" với lập luận chủ yếu là tăng dân số tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế;

Lí thuyết này cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực bị giới hạn, nhu cầu lương thực ngày càng tăng và tiến bộ công nghệ chậm chạp sẽ làm trầm trọng hơn sức ép từ việc tăng dân số.

(2) Lí thuyết dân số học "lạc quan" lại cho rằng tăng dân số có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế;

Lí thuyết này lập luận rằng dân số tăng lên cũng có thể làm tăng mức tích tụ nhân lực và quốc gia có dân số lớn có thể tận dụng tính qui mô để hấp thụ các tri thức, công nghệ cần thiết cho tăng trưởng.

(3) Lí thuyết dân số học "trung tính" cho rằng dân số tác động đến tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khác.

(Tài liệu tham khảo: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)

Diệu Nhi