Chuỗi ngành hàng không Việt Nam hoạt động ra sao?
Tăng trưởng hàng không Việt Nam dự báo nhanh thứ 5 thế giới trong 20 năm tới
Hàng không Châu Á - Thái Bình Dương năng động nhất thế giới |
Chuỗi ngành hàng không bao gồm từ vận tải hàng không, cảng hàng không cho đến các dịch vụ phụ trợ hàng không.
Trong đó, vận tải hàng không đóng vai trò quan trọng nhất và được xem là xương sống của ngành; vận tải hàng không phát triển thì cảng hàng không và các dịch vụ phụ trợ sẽ hưởng lợi theo.
Cảng hàng không chịu trách nhiệm cung cấp cơ sở hạ tầng cho hầu hết hoạt động của phân khúc khác trong chuỗi giá trị ngành, là nơi kết nối hệ thống hàng không của một quốc gia với những phương thức vận chuyển khác.
Chuỗi ngành hàng không thế giới |
Theo số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế (IATA), ngành vận tải hàng không thế giới chủ yếu tập trung tại hai khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Âu, tổng 59% thị phần vận tải hành khách và 64% vận tải hàng hóa.
Hiện ngành vận tải hành khách và hàng hóa hàng không thế giới trong pha tăng trưởng mới sau giai đoạn giảm tốc năm 2000 – 2004 do ảnh hưởng tâm lý của cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 và đại dịch Sars.
Cũng theo IATA, tốc độ tăng trưởng lượng khách luân chuyển và sản lượng hàng hóa luân chuyển thế giới giai đoạn 2012 – 2017 lần lượt đạt 7%/năm và 4,3%/năm, động lực tăng trưởng chính là phân khúc hàng không giá rẻ (LCC). Thị phần của các doanh nghiệp LCC tăng từ 15,7% năm 2006 lên 25,5% năm 2016.
Xu hướng thuê ngoài (outsourcing) từ các nước phát triển cũng khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không ngày càng gia tăng.
Dự báo của IATA, giai đoạn 2017 – 2036, vận tải hành khách và hàng hóa hàng không sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 4,7%/năm và 4,2%/năm, động lực chính từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam, ngành hàng không đang trong quá trình phát triển và dự báo tăng trưởng mạnh thời gian tới. Việt Nam nằm trong khu vực hàng không năng động cùng với sự phục hồi của hàng không thế giới, đầu tư cho du lịch tăng mạnh, mức sống người dân ngày càng nâng cao…
IATA dự báo Việt Nam sẽ đứng thứ 5 thế giới về tăng trưởng lượt khách hàng không giai đoạn 2015 – 2035, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,7%/năm cao hơn so với mức trung bình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 4,6%.
Chuỗi ngành hàng không tại Việt Nam hoạt động ra sao?
Tương tự chuỗi giá trị ngành hàng không thế giới, Việt Nam nếu lấy các hãng vận tải hàng không làm trung tâm sẽ bao gồm hai nhóm thượng nguồn và hạ nguồn.
Chuỗi ngành hàng không Việt Nam (Nguồn: báo cáo của CTCP Chứng khoán FPT - FPTS) |
Phía thượng nguồn, Việt Nam hiện chưa có các doanh nghiệp sản xuất máy bay, các hãng hàng không đặt mua từ các hãng sản xuất lớn của thế giới như Boeing, Airbus, ATR…
Ở lĩnh vực cho thuê, hiện Việt Nam chỉ có doanh nghiệp duy nhất là CTCP Cho thuê Máy bay (VALC) do Vietnam Airlines sở hữu 32% vốn. VALC mua máy bay sau đó cho các hãng hàng không trong nước thuê lại, Vietnam Airlines hiện là khách hàng chính.
Nhóm dịch vụ trước nhà ga gồm taxi, xe bus, vận chuyển hành khách gồm có CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài (Mã: NAS), CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) hoạt động tại sân bay Nội Bài.
Phía trong nhà ga, hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, bán hàng miễn thuế gồm có AST hoạt động tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (Mã: CIA) tại sân bay Cam Ranh, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Mã: SAS) tại Tân Sơn Nhất.
Phục vụ mặt đất, phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh có Công ty TNHH Dịch vụ Mặt đất Hàng không (AGS) tại Cam Ranh, CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN) tại Tân Sơn Nhất và Cam Ranh…
Trong khu bay có CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) tại Tân Sơn Nhất, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT) tại Nội Bài… Dịch vụ khác, suất ăn hàng không có CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) tại Nội Bài, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) tại sân bay Đà Nẵng… và còn nhiều doanh nghiệp chưa cổ phần hóa khác.
Thống kê cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi ngành dịch vụ hàng không được nắm giữ cổ phần bởi hai đại gia hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Quan hệ các công ty trong chuỗi ngành hàng không (FPTS) |
Chuỗi ngành doanh nghiệp dịch vụ ngành hàng không nhóm thượng nguồn (Thống kê của FPTS) |
Trong số các doanh nghiệp dịch vụ hàng không, 6 tháng đầu năm SAS đạt doanh thu lớn nhất 1.332 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 190 tỷ đồng. Tuy nhiên SCS lại là doanh nghiệp lãi sau thuế lớn nhất với gần 200 tỷ đồng, công ty của "vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn đạt biên lãi gộp "khủng" ở các hoạt động cho thuê nhà khách, bán hàng miễn thuế... Các công ty còn lại đạt mức doanh thu dao động từ trên 100 tỷ đồng đến 630 tỷ đồng, danh sách niêm yết không có công ty nào chịu lỗ.
Nhóm hạ nguồn chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa từ chủ hàng/đại lý đến sân bay và ngược lại gồm hai doanh nghiệp chưa cổ phần hóa là Vinako và TECS tại Tân Sơn Nhất, Công ty TNHH Dịch vụ mặt đất Hàng không (ASG) chưa niêm yết hoạt động tại cả Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Ngành vận tải hàng không Việt Nam hiện có hai doanh nghiệp niêm yết là Vietnam Airlines (Mã: HVN) và Vietjet Air (Mã: VJC) hoạt động theo mô hình khác nhau là hàng không truyền thống (FSC - Full Service Carrier) và hàng không giá rẻ (LCC - Low Cost Carrier). Hai hãng chưa niêm yết là Jetstar Pacific và VASCO, trong đó Vietnam Airlines lần lượt nắm giữ 68,85% và 51% tại hai doanh nghiệp này.
Mô hình hoạt động khác nhau, do đó nhiều điểm trong phương thức vận hành của Vietnam Airlines và Vietjet cũng tỏ ra khác biệt.
Doanh thu từ vận chuyển hành khách của cả hai đều chiếm tỷ trọng cao nhất trong đó Vietnam Airlines là 81,3% và Vietjet là 59,4% (6 tháng đầu năm 2018). Tuy nhiên doanh thu từ hoạt động phụ trợ của Vietjet lại chiếm tỷ trọng cao hơn do đặc thù của LCC, loại bỏ các dịch vụ cung cấp không cần thiết, thay vào đó hành khách phải trả thêm phí nếu sử dụng các dịch vụ đồ ăn thức uống.
Điểm khác biệt nữa là Vietjet có doanh thu từ cho thuê khô máy bay nhờ giá thuê rẻ, khách hàng chủ yếu là các công ty lữ hành có thể thuê nguyên một chuyến bay để chở khách đến điểm du lịch điều mà mô hình FSC của Vietnam Airlines chưa cung cấp.
Đối với Vietnam Airlines, có doanh thu hoạt động bán hàng do hợp nhất từ 15 công ty con lĩnh vực dịch vụ.
Khác biệt cơ cấu doanh thu giữa HVN và VJC 6 tháng đầu năm 2018. |
Ngày 10/10 sắp tới, nếu hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cất cánh như kế hoạch, Việt Nam sẽ có thêm một hãng bay với định vị hybrid (lai). Theo tuyên bố của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC, một số dịch vụ siêu cao cấp và một số dịch vụ giá rất rẻ thậm chí miễn phí như các chuyến bay thẳng đến các khu nghỉ dưỡng của FLC. Hãng này dự kiến sẽ mở 37 tuyến bay nội địa và quốc tế.
Ở phân ngành cảng hàng không, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) là đơn vị vận hành và khai thác cảng chiếm ưu thế tuyệt đối, hoạt động ở 8 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa trải dài từ Bắc đến Nam. Cơ cấu doanh thu ngành ACV tập trung tại ba cảng chính là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.
Trong tương lai, với định hướng xã hội hóa hạ tầng ngành hàng không, nhiều doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào lĩnh vực này như CTCP Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT) và CTCP Nhà ga Hành khách Quốc tế Cam Ranh (CRTC).
Mặt khác, cơ cấu cổ đông của các nhà ga ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp dịch vụ hàng không. Việc chủ đầu tư nhà ga cũng là cổ đông lớn của một công ty sẽ giúp công ty đó mở rộng hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn.
Trong 21 cảng hàng không, hiện chỉ có hai cảng hàng không lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất có các trung tâm logistics chuyên phục vụ xử lý hàng hóa hàng không.
Các công ty chuyển phát nhanh nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam như DHL, FedEx, Kerry Express và các công ty chuyển phát nhanh khác thường có nhà ga riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Mặt hàng được vận chuyển chủ yếu bởi các công ty này là bưu kiện và thư tín, vì vậy lượng hàng hóa được xử lý bởi các công ty này chiếm khá nhỏ trong tổng sản lượng hàng hóa tính theo tấn.