|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chủ nghĩa đế quốc (Imperialism) là gì? Động cơ theo đuổi chủ nghĩa đế quốc

22:57 | 18/10/2019
Chia sẻ
Chủ nghĩa đế quốc (tiếng Anh: Imperialism) là chính sách mà qua đó các quốc gia hay các dân tộc hùng mạnh tìm cách mở rộng và duy trì quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng đối với các quốc gia hay dân tộc yếu hơn.
Imperialism

Chủ nghĩa đế quốc

Khái niệm

Chủ nghĩa đế quốc trong tiếng Anh là Imperialism.

Chủ nghĩa đế quốc là chính sách mà qua đó các quốc gia hay các dân tộc hùng mạnh tìm cách mở rộng và duy trì quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng đối với các quốc gia hay dân tộc yếu hơn.

Động cơ theo đuổi chủ nghĩa đế quốc

Các cường quốc có các động cơ khác nhau trong việc theo đuổi chủ nghĩa đế quốc, bao gồm các do về kinh tế, chính trị, ý thức hệ, hay tâm – xã hội.

Về kinh tế, các nước đế quốc tìm cách thống trị các quốc gia khác nhằm mở rộng nền kinh tế, chiếm đoạt tài nguyên, bóc lột lao động, hoặc tìm cách xuất khẩu các hàng hóa và tư bản dư thừa. Chủ nghĩa Marx được kế thừa và phát triển bởi V.I. Lenin là học thuyết kinh tế chính trị nổi bật nhất chỉ rõ mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. 

Lenin trong tác phẩm "Chủ nghĩa đế quốc: Giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản" đã cho rằng chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản. Ông cũng giải thích rằng các quốc gia Châu Âu thời kỳ thế kỷ 19 tìm cách xâm chiếm, mở rộng thuộc địa là một điều tất yếu không thể tránh khỏi xuất phát từ nhu cầu của các quốc gia này trong việc xuất khẩu thặng dư tư bản và hàng hóa dư thừa, nhằm tránh các cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước. 

Tương tự, các nhà Mác-xít cũng cho rằng sự bành trướng của Mỹ vào các nước Thế giới thứ ba sau này là cũng nhằm phục vụ các mục tiêu kinh tế mang tính đế quốc chủ nghĩa của người Mỹ.

Mặt khác, nhiều cường quốc cũng theo đuổi chủ nghĩa đế quốc vì mục tiêu chính trị. Theo đó các nước đế quốc xâm chiếm lãnh thổ nhằm thỏa mãn khát vọng quyền lực, nâng cao vị thế, tăng cường an ninh và giành lợi thế về mặt ngoại giao đối với các quốc gia khác. 

Ngoài ra, về mặt văn hóa và ý thức hệ, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng các niềm tin về tôn giáo, văn hóa và chính trị cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc các cường quốc theo đuổi chủ nghĩa đế quốc. 

Thực tiễn

Mặc dù chủ nghĩa đế quốc dưới hình thức xâm chiếm, quản trực tiếp các thuộc địa không còn tồn tại phổ biến, chủ nghĩa đế quốc mới, một hình thức kiểm soát và chi phối các quốc gia khác thông qua con đường kinh tế mà không cần cai trị trực tiếp, vẫn tiếp tục là một đặc điểm của nền kinh tế chính trị quốc tế đương đại. 

Ví dụ, Mỹ được cho là có ảnh hưởng to lớn đối với nhiều quốc gia thuộc Thế giới thứ ba nhờ sức mạnh kinh tế vượt trội cũng như khả năng chi phối các thể chế kinh tế quốc tế chủ chốt như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tương tự, các cường quốc Châu Âu tiếp tục duy trì ảnh hưởng đáng kể về kinh tế và chính trị đối với các thuộc địa cũ trước đây, như ở Châu Phi hay khu vực Caribê.

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)