|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ đầu tư dự án Cái Giá tỷ USD không ghi nhận doanh thu năm 2020

19:29 | 18/02/2021
Chia sẻ
Vinaconex – ITC công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 không ghi nhận đồng doanh thu nào trong khi vẫn phải vận hành và quản lý doanh nghiệp, khiến công ty lỗ sau thuế 14,5 tỷ đồng. Theo báo cáo, công ty hiện đang rót vốn cho duy nhất dự án Khu du lịch Cái Giá, Cát Bà có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.

CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex – ITC, mã: VCR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020. Trong đó, công ty không ghi nhận đồng doanh thu nào trong năm vừa qua, trong khi doanh thu năm 2019 đạt 37,3 tỷ đồng.

Mặt khác, Vinaconex – ITC phải chịu chi phí tài chính 2,4 tỷ đồng trong năm, cùng với đó là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30% so với năm trước đó lên 12,7 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế hơn 14,5 tỷ đồng, cao hơn con số lỗ 8,2 tỷ đồng năm 2019.

Theo giải trình của Vinaconex – ITC, trong năm 2020 công ty đang triển khai các hoạt động đầu tư vào dự án nên chưa thể ghi nhận kết quả. Ngoài ra, các chi nhánh của công ty đang tạm dừng hoạt động trong năm. Do đó, công ty không phát sinh doanh thu trong năm mà chỉ ghi nhận chi phí vận hành doanh nghiệp.

Chủ đầu tư dự án Cái Giá tỷ USD không ghi nhận đồng doanh thu nào năm 2020 - Ảnh 1.

Quy hoạch dự án Cát Bà. Nguồn: VCR.

Vinaconex – ITC hiện đang đầu tư và phát triển duy nhất một dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà. Thông tin từ Vinaconex (trước đây là công ty mẹ của VCR) hồi tháng 10/2020, đây là dự án có tổng mức đầu tư 600 triệu USD, tương đương khoảng 14.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên theo Vinaconex - ITC công bố, dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD.

Cập nhật đến thời điểm cuối năm 2020, công ty đã rót vào dự án trên 1.168 tỷ đồng, tăng 373 tỷ đồng trong năm vừa qua. 

Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án là 550 tỷ đồng và chi phí xây dựng dở dang là 618 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty là 3.450 tỷ đồng, riêng giá trị phần vốn rót vào dự án Cái Giá đã chiếm 34%.

Ngoài ra, tiền mặt và khoản phải thu ngắn hạn cũng chiếm lần lượt chiếm 19% và 36% tổng tài sản, đạt 1.009 tỷ đồng và 1.240 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính của Vinaconex - ITC, đây cũng là hai khoản tăng đột biến trong năm 2020.

Cụ thể, nhờ khoản tiền gửi 1.000 tỷ đồng kỳ hạn một tháng tại BIDV kéo giá trị tiền và tương đương tiền của công ty tăng vọt từ 16 tỷ đồng lên 1.009 tỷ đồng.

Tương tự, công ty có trả trước 891 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng và 249 tỷ đồng cho cổ đông lớn là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) trong năm qua. Theo đó, giá trị trả trước cho người bán trong năm lên tới 1.146 tỷ đồng, kéo theo giá trị phải thu ngắn hạn từ 41 tỷ đồng tăng lên 1.240 tỷ đồng.

Trong quý cuối năm 2020, Vinaconex đã bất ngờ giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex ITC từ 53,56% xuống 10,71% vốn điều lệ, qua đó không còn là công ty mẹ của Vinaconex – ITC.

Việc giảm sở hữu của Vinaconex tại chủ đầu tư dự án Cái Giá diễn ra trong bối cảnh Vinaconex - ITC vừa chào bán riêng lẻ thành công 144 triệu cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược với giá 10.000 đồng/cp, ước tính thu về 1.440 tỷ đồng. Sau phát hành, Vinaconex ITC tăng vốn điều lệ từ 360 tỷ đồng hiện nay lên 1.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gấp 5 lần.

Thu Thủy