|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chống dịch quá hiệu quả, Hàn Quốc mất lợi thế trong cuộc đua điều chế thuốc trị COVID-19

18:17 | 07/05/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp dược và công nghệ sinh học ở Hàn Quốc đang nỗ lực phát triển các liệu pháp điều trị bệnh viêm phổi cấp COVID-19 để dẫn đầu thị trường, song tuyển đủ bệnh nhân để thử nghiệm lâm sàng là trở ngại rất lớn đối với họ.

Korea Time nhận định rằng, trong khi Remdesivir, thuốc trị COVID-19 của Gilead Sciences, thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu vì tốc độ phát triển nhanh, các hãng dược và công nghệ sinh học ở Hàn Quốc cũng đạt nhiều tiến bộ lớn. 

Tuy nhiên, hôm 7/5, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thừa nhận các hãng dược của họ đang gặp khó khăn lớn trong việc tuyển người tham gia thử nghiệm lâm sàng do tốc độ phục hồi sau dịch quá nhanh của xứ kim chi.

Thành tựu của các doanh nghiệp dược Hàn Quốc

MFDS xác nhận họ đã phê chuẩn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai của thuốc trị COVID-19 mang tên Lovovir do hãng dược Bukwang Pharmaceutical sản xuất.

Chống dịch quá hiệu quả, Hàn Quốc mất lợi thế trong cuộc đua điều chế thuốc trị COVID-19 - Ảnh 1.

Giới doanh nghiệp dược và công nghệ sinh học ở Hàn Quốc đạt nhiều kết quả lớn trong cuộc đua nghiên cứu thuốc trị bệnh viêm phổi cấp COVID-19. Ảnh: Korea Times

Ngay sau đó, Bukwang Pharmaceutical thông báo họ sẽ công bố kết quả thử nghiệm vào tháng 8, nghĩa là Lovovir có thể trở thành thuốc trị COVID-19 xuất hiện trên thị trường nội địa sớm nhất.

Bukwang Pharmaceutical từng đưa Lovovir ra thị trường vào năm 2007 để trị chứng viêm gan B. Hồi tháng 3, tập đoàn thông báo rằng Levovir có khả năng chống virus như Kaletra, loại thuốc mà các bác sĩ đang dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19. Vì thế, hãng đã xin cấp bằng sáng chế cho Lovovir.

Việt Nam thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trên chuột. Video: VTC Now

Trong cuộc đua nghiên cứu thuốc trị COVID-19, ba doanh nghiệp khác cũng đang nhắm tới vị trí dẫn đầu là Genexine, Celltrion và GC Pharma.

Celltrion đang phát triển kháng sinh từ máu của những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh. Hồi tháng trước, Celltrion tuyên bố họ đã chọn xong 38 kháng nguyên mạnh để điều chế kháng sinh. Công ty sẽ thử nghiệm lâm sàng vào giữa tháng 7, rồi thử nghiệm để xem thuốc có thể trở thành vắc xin ngừa COVID-19 hay không.

Genexine, một doanh nghiệp công nghệ sinh học, cũng đạt những thành quả lớn một cách nhanh chóng trong nỗ lực tìm liệu pháp điều trị COVID-19. Hôm 6/5, công ty tuyên bố họ sẽ chế tạo vắc xin mang tên GX-19 từ những kháng nguyên có khả năng vô hiệu quả SARS-CoV-2 trong cơ thể khỉ.

Sung Young-chul, giám đốc Genexine, tiết lộ công ty muốn thử nghiệm lâm sàng vắc xin vào tháng 6 nếu giới chức y tế phê chuẩn yêu cầu của họ một cách nhanh chóng.

GC Pharma, công ty công nghệ sinh học đang nghiên cứu liệu pháp điều trị COVID-19 từ huyết tương dành cho bệnh nhân nặng, muốn thử nghiệm lâm sàng vào tháng 7.

Tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng là thách thức lớn

Bất chấp những nỗ lực phát triển thuốc trị COVID-19, tuyển bệnh nhân để thực hiện thử nghiệm lâm sàng vẫn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc vì sự phục hồi quá nhanh của đất nước sau tác động của COVID-19.

Trung tâm Thông tin Thử nghiệm lâm sàng Hàn Quốc xác nhận MFDS đã nhận 9 đơn xin thử nghiệm lâm sàng tính tới ngày 27/4 - bao gồm hai thử nghiệm đối với Remdesivir của Gilead Sciences Hàn Quốc, thử nghiệm đối với Lovovir của Bukwang và 6 thử nghiệm của các bệnh viện thuộc trường đại học khắp cả nước.

Chống dịch quá hiệu quả, Hàn Quốc mất lợi thế trong cuộc đua điều chế thuốc trị COVID-19 - Ảnh 3.

Nhân viên y tế lấy dịch mũi của người dân để xét nghiệm COVID-19 ở Hàn Quốc. Ảnh: The Sun

Số lượng bệnh nhân mà các thử nghiệm cần lên tới 3.256. Trong bối cảnh Hàn Quốc chỉ còn 1.135 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị hoặc cách li tính tới ngày 7/5, giới doanh nghiệp trong ngành khẳng định họ sẽ không thể tuyển đủ bệnh nhân để thử nghiệm lâm sàng, dù đã đạt các tiến bộ lớn trong quá trình nghiên cứu thuốc.

Mặc dù số lượng bệnh nhân mà các công ty, bệnh viện muốn tuyển để thử nghiệm lâm sàng sẽ khác nhau tùy theo liệu pháp điều trị, một điều mà không ai có thể phủ nhận là họ sẽ khó tuyển đủ bệnh nhân.

"Số lượng bệnh nhân COVID-19 giảm mạnh là diễn biến đáng mừng ở Hàn Quốc, song việc tuyển đủ bệnh nhân cho thử nghiệm lâm sàng sẽ tăng trong tương lai gần sẽ trở nên cực kì quan trọng đói với tham vọng đưa thuốc ra thị trường sớm", người đại diện của một doanh nghiệp dược phẩm ở Hàn Quốc bình luận.

Một người đại diện doanh nghiệp dược khác ở Hàn Quốc cũng nhận định nhu cầu đối với thuốc trị COVID-19 sẽ tiếp tục tăng do dịch vẫn có khả năng kéo dài, song chỉ vài nhà sản xuất có khả năng thử nghiệm lâm sàng với qui mô toàn cầu. Do đó, chính phủ nên hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể tuyển đủ người cho thử nghiệm lâm sàng.

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố hôm 24/4 rằng họ sẽ đề ra tiêu chuẩn để tuyển bệnh nhân cho các thử nghiệm lâm sàng.

Không có đủ bệnh nhân để tuyển không phải là thực trạng riêng của giới dược phẩm Hàn Quốc. Tháng trước, Gilead Sciences đã kết thúc hai thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc Remdisivir ở Trung Quốc do không còn bệnh nhân để thử nghiệm - kết quả của việc Bắc Kinh kiểm soát hiệu quả đại dịch.

Cửu Dương