|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chọn mẫu phân tổ (Stratified sampling) trong thống kê là gì?

16:27 | 18/11/2019
Chia sẻ
Chọn mẫu phân tổ (tiếng Anh: Stratified sampling) là phương pháp mà các đơn vị mẫu được chọn khi tổng thể chung đã được phân chia thành các tổ theo tiêu thức liên quan trực tiếp đến mục đích nghiên cứu.
Stratified-random-sampling

Hình minh họa. Nguồn: DataScience Made Simple

Chọn mẫu phân tổ

Khái niệm

Chọn mẫu phân tổ hay chọn mẫu phân tầng trong tiếng Anh là stratified sampling.

Chọn mẫu phân tổ là phương pháp mà các đơn vị mẫu được chọn khi tổng thể chung đã được phân chia thành các tổ theo tiêu thức liên quan trực tiếp đến mục đích nghiên cứu. Việc chọn các đơn vị từ các tổ được tiến hành theo phương pháp chọn ngẫu nhiên. 

Các bước chọn mẫu phân tầng

Trình tự được tiến hành như sau:

- Trước hết phân chia tổng thể thành các tổ căn cứ vào tiêu thức có liên quan chặt chẽ đến mục đích nghiên cứu;

- Từ mỗi bộ phận hay mỗi tổ chọn ra một số đơn vị mẫu;

- Xác định số đơn vị của mỗi tổ được chọn vào mẫu được gọi là phân bổ mẫu, có nhiều phương pháp phân bổ mẫu khác nhau: có thể tỉ lệ với qui mô tổ (chọn theo tỉ lệ), tỉ lệ với căn bậc hai của qui mô; hoặc không tỉ lệ với qui mô tổ (chọn không theo tỉ lệ), phân bổ mẫu Neyman (phân bổ tối ưu),...

Ưu điểm

Phương pháp chọn mẫu này cho phép chọn được tổng thể mẫu có kết cấu gần giống với kết cấu của tổng thể chung (trong trường hợp chọn theo tỉ lệ) nên tính đại biểu cao, sai số chọn mẫu nhỏ. Phương pháp này khoa học hơn hai phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản và chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống nên nó được áp dụng rộng rãi hơn, nhất là đối với hiện tượng cần điều tra có số đơn vị tổng thể lớn không thể chọn theo phương pháp chọn máy móc được. Song cách chọn này đòi hỏi phải có sẵn các nguồn thông tin về tổng thể và có kiến thức phân tổ. 

Nguyên tắc chọn mẫu phân tổ

Phương pháp này phần nào cũng dựa vào những kinh nghiệm phán đoán chủ quan nên cần phải tuân theo những nguyên tắc chung khi tiến hành phân tổ như:

- Trong mỗi tổ phải đảm bảo tính đồng chất;

- Số tổ không nên chia quá ít hoặc quá nhiều;

- Số đơn vị mẫu của từng tổ phải đủ lớn để đảm bảo độ tin cậy cho suy rộng, hay ước lượng.

Ví dụ, trong trường hợp chọn mẫu điều tra doanh nghiệp: người ta sẽ tiến hành phân chia các doanh nghiệp theo qui mô (lớn, vừa và nhỏ), sau đó sẽ tiến hành xác định kích thước mẫu của cuộc điều tra và tiến hành phân bổ các đơn vị cho mỗi loại hình qui mô doanh nghiệp. 

(Theo Giáo trình Thống kê doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)

T.D