Chính sách thuế của Phần Lan
Chính sách thuế của Phần Lan
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Cộng đồng châu Âu đã thiết lập hệ thống Thông tin thuế quan bắt buộc (BTI) như một công cụ cung cấp thông tin về thuế suất áp dụng cho các mặt hàng xuất nhập khẩu. Thuế suất có thể được tham khảo trên trang web của Hải quan Phần Lan.
Trong thị trường nội bộ EU, các nước thành viên EU không phải chịu thuế hải quan khi bán hàng của mình ở các nước thành viên EU khác. Nhập khẩu hàng từ một nước ngoài EU vào EU có thể phải chịu thuế hải quan, trong một số trường hợp phải theo hạn ngạch, mặc dù mức thuế này thường ở mức khiêm tốn.
Tuy nhiên, đã có những hiệp định về tự do thương mại cũng như những ưu đãi tự định mà EU dành cho các nước không thuộc EU. Mức thuế áp dụng được tính bằng phần trăm của giá trị tính thuế của hàng hóa.
Thuế đặc biệt đối với hàng nông nghiệp được tính theo số lượng hay trọng lượng hàng, hay bằng cách tính gộp cả phần trăm giá trị hàng và trọng lượng hàng. Khi hàng xuất xứ từ các nước ngoài EU đã vào khu vực EU và thủ tục hải quan đã hoàn tất, sản phẩm được phép lưu hành tự do trong toàn khu vực thị trường chung EU.
Chế độ Ưu đãi Phổ cập (GSP) là một trong những cơ chế ưu đãi. Theo chế độ này, sản phẩm nhập vào các nước EU từ các nước đang phát triển được hưởng giảm thuế.
Hàng hóa theo chế độ GSP được chia làm hai loại: nhạy cảm và không nhạy cảm.
Hàng công nghiệp, trừ các loại vải, chủ yếu thuộc loại không nhạy cảm và không phải chịu thuế. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm nông nghiệp thuộc loại nhạy cảm và chỉ được giảm thuế tới mức nhất định.
Ngoài ra, những nước được hưởng ưu đãi khuyến khích đặc biệt vì có phát triển bền vững và quản trị tốt (GSP+) được miễn thuế cho tất cả các loại sản phẩm, kể cả loại hàng nhạy cảm.
Những điều kiện tốt nhất được dành cho những nước kém phát triển (LDCs), ví dụ như không phải chịu thuế và hạn ngạch đối với tất cả các loại hàng hóa trừ vũ khí.
Bên cạnh đó, EU còn dành ưu đãi tự định cho Các nước và Vùng lãnh thổ ở Hải ngoại. Điều này có nghĩa là họ không phải chịu thuế nhập khẩu vào thị trường EU.
Còn có những hiệp định tự do thương mại giữa EU và các nước ACP (Châu Phi, vùng biển Caribe và vùng Thái Bình Dương), hiệp định này được dựa trên Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPAs) hay thỏa thuận tiếp cận thị trường tạm thời trước khi kí EPAs, mà trước đó gọi Hiệp định Cotonou.
Ngoài ra, phải kể đến chế độ ưu đãi thuế quan theo những Hiệp định Tự do Thương mại (FTAs) ví dụ như với Mexico, Chile, Nam Phi và một số nước vùng Địa trung hải. Nhà xuất khẩu nên tìm hiểu và biết những luật lệ về giấy phép và bảo lãnh nhập khẩu, mặc dù thông thường người mua Phần Lan sẽ đảm nhận những công việc này.
Qui tắc xuất xứ
Để được đối xử ưu đãi, hàng xuất khẩu phải có nguồn gốc từ một nước thuộc Hiệp định Tự do Thương mại hay một chế độ ưu đãi. Một sản phẩm được xem là xuất xứ từ một nước có quyền hưởng lợi, khi sản phẩm có toàn bộ thành phần hay chế biến phần lớn trong nước đó.
Những nước thuộc về những nhóm nước nhất định: ASEAN (Đông Nam Á), SAARC (Nam Á) và Cộng đồng Andean (Nam Mỹ) có quyền sử dụng nguyên liệu từ các nước trong khối của họ mà không bị mất quyền xuất xứ hàng hóa.
Làm thế nào để hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn?
Sản phẩm phải có xuất xứ từ một nước đang phát triển được hưởng lợi từ một trong những cơ chế ưu đãi của EU (GSP, GSP+, EBA, EPA, hay FTAs).
Sản phẩm phải nằm trong phạm vi hàng của những cơ chế ưu đãi có liên quan.
Sản phẩm phải thỏa mãn tiêu chí về nguồn gốc hàng hóa và có đủ tài liệu chứng minh;
Chứng chỉ xuất xứ hàng hóa cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu phải được dùng: Mẫu A (GSP) hay Chứng chỉ EUR 1 (EPAs và OCTs).
Hàng phải được vận chuyển thẳng từ nước xuất xứ tới Phần Lan (hoặc qua một nước EU khác, hay Thụy Sĩ).
Nhà nhập khẩu phải xin giảm thuế khi làm thủ tục thông quan.