|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chính sách ngăn chặn (Containment policy) là gì?

17:49 | 18/10/2019
Chia sẻ
Chính sách ngăn chặn (tiếng Anh: Containment policy) là chính sách chống chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn cầu của Mỹ, thực chất là giành địa vị đứng đầu "thế giới tự do" và tiến lên làm bá chủ toàn cầu của Mỹ.
chính sách ngăn chặn

Chính sách ngăn chặn

Khái niệm

Chính sách ngăn chặn trong tiếng Anh là Containment policy.

Chính sách ngăn chặn là chính sách chống chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn cầu của Mỹ, tiến hành từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 – 1945), qua đó chủ trương kìm giữ "sự bành trướng" ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, thực chất là giành địa vị đứng đầu "thế giới tự do" và tiến lên làm bá chủ toàn cầu của Mỹ. 

Đối tượng của chính sách ngăn chặn

Đối thủ hàng đầu của chính sách ngăn chặn là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, sau đó là phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh.

Chính sách ngăn chặn mở đầu bằng chiến lược "Ngăn chặn Chủ nghĩa cộng sản" do Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đề ra. Ngày 12 tháng 3 năm 1947, Tổng thống Mỹ Truman đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ về chiến lược toàn cầu mới của Mỹ – chiến lược ngăn chặn, hay còn gọi là Học thuyết Truman. 

Tổng thống Truman đã công khai nên lên "sứ mệnh lãnh đạo thế giới tự do chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản", giúp đỡ các dân tộc trên thế giới chống lại sự "đe dọa" của chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là chống lại sự bành trướng của Liên Xô. Có thể coi, sự kiện này đã chính thức phát động cuộc Chiến tranh Lạnh nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. 

Từ đây, mối quan hệ đồng minh giữa Liên Xô với Mỹ và các nước phương Tây trong thời chống phát xít đã tan vỡ. Thay vào đó, hai bên bước vào cuộc "Chiến tranh Lạnh" với sự đối đầu mang đậm dấu ấn ý thức hệ, mở ra khuôn khổ định hình nền chính trị thế giới kéo dài hơn bốn thập kỉ.

Nội dung của chính sách ngăn chặn 

Chính sách ngăn chặn được Mỹ tiến hành từ thời Tổng thống Truman và được thay đổi theo so sánh lực lượng hai phía trong từng thời , với các chính sách – chiến lược: "Trả đũa ồ ạt" (1954), "Bên miệng hố chiến tranh" của Tổng thống Dwight D. Eisenhower (1956), "Phản ứng linh hoạt" của Tổng thống John F. Kennedy (1961), và các học thuyết mang tên các tổng thống Mỹ kế tiếp: Lindon B. Johnson (1965), Richard M. Nixon (1969), v.v… 

Nội dung chính của các chiến lược trên là "Chống trả người Nga bằng sức mạnh thường xuyên ở bất cứ nơi nào họ mưu toan xâm phạm lợi ích của ổn định và hòa bình", giữ sự kiểm soát của họ trong các đường biên giới quân sự năm 1945, với hy vọng đến một lúc nào đó "mâu thuẫn bên trong sẽ phá vỡ chế độ Xô Viết".

Để thi hành chính sách ngăn chặn, Mỹ đã lập ra các khối quân sự (NATO, CENTO, SEATO), các tổ chức và hiệp ước phòng thủ tay đôi và khu vực. Mỹ cũng lập ra một hệ thống căn cứ quân sự toàn cầu bao vây các nước xã hội chủ nghĩa và không ngần ngại can thiệp quân sự, thậm chí gây chiến ở nhiều nơi trên thế giới như Triều Tiên (1950-1953), Việt Nam, Lào, Campuchia (1954-1975), Cuba (1961), Dominica (1965), Grenada (1985), Panama (1985)…

Bên cạnh đó, Mỹ còn thực hiện nhiều kế hoạch phi quân sự như Kế hoạch Marshall tái thiết nền kinh tế châu Âu (1947), thực hiện cấm vận, hạn chế thương mại chống các nước xã hội chủ nghĩa… Mặc dù thất bại ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Việt Nam, Lào, Cuba, Mỹ vẫn kiên trì chính sách ngăn chặn dưới những hình thức mới. 

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.