|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiêu bài Trung Quốc của ông Trump không còn hữu dụng trong cuộc đua tổng thống

19:37 | 28/10/2020
Chia sẻ
Tổng thống Trump thường xuyên đổ lỗi cho Trung Quốc và thậm chí còn kéo công việc làm ăn của con trai đối thủ ở Trung Quốc vào cuộc để kiếm phiếu bầu của cử tri. Song, nỗ lực của ông trở thành công cốc vì cử tri Mỹ không còn sốt sắng với các thông điệp về Trung Quốc.

Tấn công Trung Quốc không còn mang lại lợi thế cho ông Trump

Theo ông Ian Bremmer, nhà sáng lập của công ty tư vấn Eurasia Group, cấp dưới của Tổng thống Trump đã nhận ra rằng đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19 "không hiệu quả".

"Nguyên nhân không phải vì người Mỹ không khó chịu với Trung Quốc mà vì họ quan tâm đến COVID-19 nhưng không muốn chú ý đến Trung Quốc", ông Bremmer lí giải.

"Tôi không nghĩ đề cập đến Trung Quốc có ý nghĩa lớn trong cuộc bầu cử năm nay. Đó là chuyện tốt cho quan hệ Mỹ - Trung vì các dấu hiệu này đã xuất hiện từ vài tháng trước và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không sẵn lòng chịu để yên", ông Bremmer phát biểu tại một cuộc họp báo ngắn về các ưu tiên chính sách đối ngoại của ông Trump và đối thủ Biden.

Theo South China Morning Post (SCMP), người Mỹ ngày càng hoài nghi về Trung Quốc sau các diễn biến mới như vấn đề Tân Cương và Hong Kong. Trong đại dịch COVID-19, 73% người Mỹ tham gia khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew có quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc, một "kỉ lục mới trong lịch sử".

Trong hai tuần cuối tháng 9, Gallup tiến hành khảo sát đối với nhóm cử tri đã đăng kí đi bỏ phiếu. Số người coi mối quan hệ Mỹ - Trung là "cực kì quan trọng" chỉ đứng áp chót trong danh sách 16 vấn đề mà cử tri quan tâm.

Trong ba vấn đề trọng tâm đối với cử tri năm nay gồm sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế và công bằng chủng tộc, Trung Quốc chỉ chiếm một vị trí.

Do đó, bất kì ứng viên nào muốn sử dụng quan điểm tiêu cực của cử tri Mỹ về đất nước Trung Quốc để tạo đòn bẩy chính trị đều không thành công, bà Yun Sun, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson (Washington), nhận thấy.

"Công chúng Mỹ có thể không thích Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là ai cứng rắn với Trung Quốc hơn đều sẽ nhận được phiếu bầu của họ", bà Sun kết luận.

"Có thể công chúng Mỹ coi cả Trung Quốc và ông Trump là những kẻ chơi xấu, hoặc có thể họ thấy chiến lược Trung Quốc của ông Trump không hiệu quả như họ muốn, hoặc lợi ích từ chính sách Trung Quốc của ông Trump không bằng cái giá phải trả cho các chính sách khác của ông", bà Sun nói thêm.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã biến cách xử lí đại dịch của ông Trump trở thành một vấn đề tranh cử, thay vì chính sách sai lầm của Trung Quốc trong thời kì đầu mà COVID-19 mới bùng phát.

Ông Biden liên tục khẳng định Tổng thống Trump "đã phất cờ trắng đầu hàng và rời khỏi cuộc chiến" chỉ vài tháng sau khi ông Trump tuyên bố cuộc khủng hoảng y tế biến ông trở thành một vị "tổng thống thời chiến".

SCMP dẫn lời ông Yingyi Ma, giáo sư chuyên ngành xã hội học tại Đại học Syracuse (New York), cho biết "kĩ năng tư duy phản biện" đã giúp cử tri Mỹ tách bạch vấn đề Trung Quốc khỏi các mối quan tâm của chính họ.

Giáo sư Ma lập luận: "Hầu hết công chúng Mỹ không nhất thiết phải xem các khúc mắc liên quan tới Trung Quốc như vấn đề nội bộ của nước Mỹ. Theo tôi, tư duy phản biện chính là kĩ năng giúp họ phân biệt rạch ròi các vấn đề, dù cho ông Trump liên tục đổ lỗi cho Bắc Kinh".

Chiêu bài Trung Quốc của ông Trump không còn hữu dụng trong cuộc đua tổng thống - Ảnh 1.

Chiêu bài lôi kéo cử tri bằng các vấn đề Trung Quốc không còn hữu dụng cho ông Trump. (Ảnh: The Daily Beast/Getty Images)

Bôi xấu con trai đối thủ cũng bất thành

Phó Chủ tịch Eurasia, ông Gerry Butts, cho biết chiến dịch tranh cử của ông Trump đang tìm cách bôi xấu đối thủ Biden bằng cách đề cập đến công việc làm ăn của con trai ông ở Trung Quốc, song nỗ lực của họ cũng bất thành.

Trong năm qua, Hunter Biden, con trai ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden, là trọng tâm cáo buộc tham nhũng từ ông Trump và các đồng minh. Bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng cáo buộc Bắc Kinh trả "hàng tỉ USD" cho gia đình Biden để đổi lấy các đặc quyền thương mại.

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cũng khẳng định Hunter có một chân trong hội đồng quản trị của Công ty Quản lí Quĩ Đầu tư Cổ phiếu BHR (Thượng Hải) là nhờ tầm ảnh hưởng của cựu Phó Tổng thống Mỹ. Tất cả là nhằm mô tả ông Biden như một chính trị gia tham nhũng có móc nối với Bắc Kinh, ông Butts nhận định.

Chiến dịch của ông Biden đã bác bỏ các cáo buộc này. Hơn nữa, chưa có ai đệ đơn kiện ông Biden liên quan đến vị trí của con trai ông trong BHR và cũng chưa cơ quan nào chứng minh ông Biden có hành vi sai phạm.

Phó Chủ tịch Butts của Eurasia kết luận: "Trong chiến dịch của ông Trump, Trung Quốc không khác gì một vũ khí không có sức sát thương đối thủ Biden".

Chiến dịch của ông Trump khao khát bôi xấu ông Biden về vấn đề Trung Quốc, nhưng phía ông Biden quyết định né tránh bằng cách sử dụng lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh so với khả năng thực sự của họ, mục đích là nhằm ngăn chặn cuộc chiến mà họ biết họ có thể thua, ông Butts lập luận.

Yên Khê