|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dấu ấn ngoại giao của ông Trump tại châu Á rất khó phai nhạt

07:26 | 28/10/2020
Chia sẻ
Chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử cũng sẽ không làm thay đổi thực tế chính trị mới xuất hiện dưới thời ông Trump: đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc và sự suy nghĩ lại của Mỹ về tự do hóa thương mại.
Dấu ấn ngoại giao của ông Trump tại châu Á khó có thể phai nhạt - Ảnh 1.

Ông Trump tại Hàn Quốc. (Ảnh: New York Times)

Sau 4 năm với hàng loạt thông điệp đao to búa lớn, nhiệm kì tổng thống thứ nhất của ông Trump sắp kết thúc. Ông Trump trở thành nhân vật nổi bật trên trường quốc tế với hàng loạt động thái gây tranh cãi. Những di sản chính sách ngoại giao của ông tại châu Á nhiều khả năng sẽ tồn tại lâu dài kể cả trong trường hợp ông phải rời khỏi Nhà Trắng.

"Nước Mỹ trước tiên", cách tiếp cận đậm chất buôn bán của ông Trump trong việc xử trí với đồng minh và đối thủ đã sống sót lâu hơn nhiều dự đoán của phe chỉ trích. Chiến lược này được ông Trump áp dụng đặc biệt triệt để khi đối phó với Trung Quốc, đến mức một số nhà quan sát còn nhận định hai nước đã tiến đến Chiến tranh Lạnh mới.

Theo Nikkei Asia, việc so sánh căng thẳng Mỹ-Trung với Chiến tranh Lạnh có phần hơi cường điệu. Khác với cuộc đối đầu giữa Mỹ với Liên Xô trước đây, Mỹ không trực tiếp hay gián tiếp có xung đột quân sự với Trung Quốc.

Theo ông Ian Bremmer, nhà sáng lập hãng tư vấn Eurasia, điều đáng nói hơn cả là cách gọi "Chiến tranh Lạnh mới" bỏ qua sự phụ thuộc kinh tế qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Phần lớn hàng hóa tại Walmart được sản xuất tại Trung Quốc. Phần lớn sinh viên quốc tế đóng đủ học phí tại các đại học hạng trung ở Mỹ là người Trung Quốc".

"Tại giải bóng rổ nhà nghề NBA, ban quản lí và cầu thủ tin rằng tương lai phụ thuộc vào việc bán hàng cho người hâm mộ Trung Quốc, chiếu trận bóng cho khán giả Trung Quốc và thậm chí là các cầu thủ Trung Quốc. Rõ ràng quan hệ Mỹ-Trung không phải là Chiến tranh Lạnh".

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khó có thể quay lại giai đoạn sóng yên biển lặng như trước khi ông Trump làm tổng thống. Sau khi thu hút thành công giới lao động cổ cồn xanh năm 2016, ông Trump đã tập hợp một bộ phận lớn các doanh nghiệp dưới khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên".

Nhờ vậy, rất nhiều người đã dám công khai nói về điều họ từng chỉ nói nhỏ với nhau về chủ nghĩa bảo hộ của Trung Quốc, việc thiếu sân chơi bình đẳng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Đảng Dân chủ lo lắng về việc bị lép vế nên cũng đã trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc, không chỉ về nhân quyền mà còn cả chính sách thương mại.

Căng thẳng Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn

Ông Biden, thành viên cấp cao lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện sẽ tự đặt ra chiến lược riêng về việc đối phó với Trung Quốc, nhưng cũng sẽ chiêu mộ các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm.

Ông Biden nhiều khả năng sẽ hôi phục "đối thoại chiến lược" cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc, cái chốt an toàn hữu ích dưới thời chính quyền ông Bush và ông Obama. Nhưng phạm vi cho sự thay đổi đáng kể trong hành vi của hai nước có vẻ hạn chế.

Cuộc đua giành ngôi vương công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tốc, bất kể ai thắng cuộc bầu cử. Kế hoạch "Made in China" của Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ nhanh chóng phát triển các ngành công nghệ cao đến năm 2025 khiến người Mỹ lo ngại.

Do đó, chính quyền ông Trump đã tung ra loạt động thái để cản bước tiến của Trung Quốc: trừng phạt Huawei, cấm chuyển giao công nghệ, gây áp lực buộc các đồng minh châu Âu và châu Á giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ cao của Trung Quốc.

Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe tỏ ra hoài nghi về chính sách ngoại giao cá nhân của Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và cảnh giác với phe diều hâu ở Washington dự tính tấn công vào chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Năng lực tên lửa của Triều Tiên và tham vọng hạt nhân của nước này vẫn còn nguyên vẹn, mối đe dọa an ninh chiến lược đối với khu vực vẫn chưa được giải quyết.

Nhưng nhìn chung, cách tiếp cận quyết đoán của ông Trump đối với Trung Quốc đã nhận được sự đồng tình của chính phủ Nhật Bản và rất ít chính trị gia muốn quay lại chính sách ngoại giao thụ động theo kiểu ông Obama.

Trước mắt, ông Biden tỏ ra ít quan tâm đến việc đảo ngược quyết định rút khỏi hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương - có thể được coi là động thái ngoại giao quan trọng nhất của ông Trump ở châu Á. Đảng Dân chủ cũng đang rất thận trọng với tự do hóa thương mại, cả trong dịch vụ lẫn sản xuất.

Theo Nikkei Asia, xu hướng Mỹ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo truyền thống của các nền dân chủ tiên tiến ở châu Âu và châu Á sẽ tiếp diễn nếu ông Trump giành được nhiệm kì thứ hai. Các cuộc chiến thuế quan sẽ quay trở lại, giao tranh quân sự bị gạt đi, và thậm chí Mỹ có thể sẽ chấm dứt tư cách thành viên NATO.

Tổng thống Biden sẽ ngăn chặn việc Mỹ rút khỏi các khối đồng minh quan trọng. Mỹ sẽ quay lại một số diễn đàn đa phương, đặc biệt là hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các nhóm mới như D-10, phiên bản mở rộng của Nhóm G7 cộng với Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia có thể sẽ xuất hiện.

Nhưng di sản ông Trump để lại cho đồng minh vẫn sẽ còn nguyên vẹn, buộc các nước này phải tiếp tục suy nghĩ về thế giới mà Mỹ không còn đảm bảo an ninh cho các họ và Trung Quốc là siêu cường mới.

Giang