Sức ép nguồn cung đè nặng lên giá gạo Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu chạm đáy hai năm
Những ngày đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và thế giới liên tục giảm mạnh và hiện ở quanh mức đáy hai năm.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 14/1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn đang đứng ở mức 434 USD/tấn, thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2022 và giảm gần 80 USD/tấn so với một tháng trước.
Với giá này, Việt Nam đang là quốc gia có giá gạo thấp nhất trong top 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Giá gạo 5% của các quốc gia trên lần lượt là 479, 440 và 448 USD/tấn.
Xu hướng này trái ngược với những gì đã diễn ra trong năm 2023 – 2024, khi có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam ở mức cao nhất thế giới và bỏ xa các nước khác.
Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, cho biết các thương nhân nhập khẩu đánh giá nguồn hàng năm nay khá dồi dào do đó họ không vội ký đơn hàng để giao trong quý I năm nay.
“Thời điểm cuối năm 2023, các nhà nhập khẩu chạy đua tìm nguồn hàng từ các nước như Việt Nam và Thái Lan do Ấn Độ siết chặt hoạt động xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác, cuối năm ngoái, các nhà nhập khẩu không vội ký đơn hàng giao trong đầu năm nay bởi Ấn Độ đang nới lỏng việc xuất khẩu gạo. Các thương nhân đánh giá nguồn cung năm nay khá dồi dào”, ông Thành cho biết.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung lúa gạo toàn cầu trong năm nay đạt mức kỷ lục533,7 triệu tấn, tăng 11 triệu tấn so với năm trước.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thêm trong năm 2024 Việt Nam xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn thì chắc chắn các quốc gia này còn tồn kho rất lớn. Do đó, có khả năng, tốc độ mua hàng ở những thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia chậm lại. Thay vì họ đặt hàng từ tháng 1,2 như năm ngoái thì năm nay có thể chuyển sang tháng 3,4 - thời điểm Việt Nam chính vụ để được giá tốt hơn.
Việt Nam xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo trong năm 2024, thu về 5,75 tỷ USD. So sánh với năm ngoái, mặc dù khối lượng chỉ tăng khoảng 13% nhưng kim ngạch tăng tới 23% nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là năm thứ 6 liên tiếp, xuất khẩu gạo ghi nhận tăng trưởng dương.Tuy nhiên đà tăng trưởng này được dự báo là sẽ khó duy trì.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cũng nhìn nhận gạo Ấn Độ đang gây sức ép lớn đến giá gạo thế giới nói chung và gạo Việt Nam nói riêng.
“Việc nước này bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, đi kèm với lượng tồn kho lớn đang gây sức ép lên giá gạo”, ông Hải nói.
Tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc
Giá gạo Việt Nam thấp nên nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc ký hợp đồng mua từ Việt Nam. Trung Quốc cũng đang mua thăm dò và cũng một phần do nhiều loại gạo Việt phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Phước Thành IV kỳ vọng năm nay khách hàng từ thị trường Trung Quốc quay lại nhiều hơn.
Năm ngoái, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh từ mức khoảng 12% của 2023 xuống còn khoảng 3%. Đây là thị trường nhập khẩu gạo lớn 5 của Việt Nam.
“Năm 2024, giá gạo Việt Nam quá cao nên Trung Quốc chuyển sang mua hàng ở thị trường khác. Đầu năm nay, nhiều thương nhân Trung Quốc đến Việt Nam để đàm phán mua gạo”, ông chia sẻ.
Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết thêm một lợi thế khác giúp gạo Việt giảm áp lực cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ đó là giống lúa.
"Nhiều khách hàng ưa chuộng bộ giống này, điển hình như Philippines, Trung Quốc, Trung Đông rất thích gạo ST của Việt Nam. Ở phân khúc ngách, Việt Nam có giống Japonica xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này giúp giảm áp lực đối với người dân trồng lúa", ông Thành nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận rằng giá gạo xuất khẩu năm nay sẽ thấp hơn so với giai đoạn 2023 - 2024 vì nguồn cung dồi dào.
Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, việc các doanh nghiệp được hỗ trợ về vốn là giải pháp cần được tính đến trong bối cảnh sức ép về giá do Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại.
“Thời điểm này cần có sự hỗ trợ về vốn của các ngân hàng để mua gạo dự trữ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần hoàn thế VAT sớm để doanh nghiệp bớt áp lực. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại”, ông Trần Thanh Hải nói.