Nikkei: Quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam, Ấn Độ có thể bị chậm lại
Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra các hoạt động xuất khẩu của Apple cũng như các công ty công nghệ Mỹ khác. Điều này gây khó khăn cho việc mở rộng sản xuất của họ sang Đông Nam Á và Ấn Độ, Nikkei dẫn từ nhiều nguồn tin liên quan.
Việc kiểm tra hải quan chặt chẽ hơn liên quan đến các quy định kiểm soát xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng mà Trung Quốc ban hành vào đầu tháng 12. Điều này đã khiến các lô hàng thiết bị và vật liệu sản xuất gửi đến Việt Nam và Ấn Độ bị trì hoãn, kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
Công nghệ lưỡng dụng là những sản phẩm hoặc công nghệ có thể dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Việc kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt diễn ra khi Tổng thống đắc cử ông Donald Trump đe dọa áp thuế 10% lên tất cả hàng hóa từ Trung Quốc. Điều này đã thúc đẩy các công ty như HP, Dell, Microsoft và Apple đẩy nhanh việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Kể từ năm 2019, Apple đã đầu tư gần 16 tỷ USD (tương đương 400.000 tỷ đồng) vào Việt Nam thông qua chuỗi cung ứng trong nước và tăng hơn gấp đôi chi tiêu hàng năm tại Việt Nam trong cùng thời kỳ.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ ba tại Việt Nam, với hơn 70 nhà máy và 250.000 nhân công trong chuỗi cung ứng. Tính đến năm ngoái, số lượng nhà cung cấp tại Việt Nam đã tăng từ 21 lên 25. Foxconn, nhà sản xuất iPhone theo hợp đồng lớn của Apple, đã đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng sản xuất.
Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 20% iPad, 5% MacBook, và 65% AirPods của Apple.
Đòn đáp trả của Trung Quốc
Trong những tuần gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng công nghệ chịu nhiều áp lực. Chính quyền ông Biden vừa đưa ra các biện pháp mới để hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Trước đó, Mỹ đã đưa hơn 140 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu các vật liệu như gali, germani và antimon sang Mỹ.
“Mọi thứ không chỉ ảnh hưởng đến Apple mà còn đến các công ty Mỹ khác”, một giám đốc của nhà cung cấp Apple cho biết. “Các cuộc kiểm tra hải quan nghiêm ngặt hơn đang làm chậm tiến độ mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc”.
“Điều khiến chúng tôi lo lắng hơn là có những mặt hàng và công cụ không nằm trong danh mục công nghệ lưỡng dụng nhưng vẫn bị kiểm tra gắt gao tại hải quan. Nguyên nhân chỉ vì chúng có mã HS tương tự”, một người làm việc tại một công ty Mỹ khác chia sẻ.
Theo các nguồn tin, từ tháng 8 năm ngoái, hải quan Trung Quốc đã bắt đầu giữ lại thiết bị sản xuất xuất khẩu sang Đông Nam Á hoặc Ấn Độ trong vài ngày mà không đưa ra lý do cụ thể. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn từ đầu tháng 12, khi các quan chức hải quan viện dẫn quy định kiểm soát xuất khẩu mới để siết chặt việc kiểm tra.
Trong 5-6 năm qua, các công ty Mỹ như Apple, Microsoft, Google, Amazon, HP và Dell đã tích cực mở rộng sản xuất tại Đông Nam Á và Ấn Độ. Tuy nhiên, dù đã chuyển một phần sản xuất ra ngoài Trung Quốc, họ vẫn phải dựa vào vật liệu và thiết bị xuất khẩu từ Trung Quốc để thiết lập các dây chuyền sản xuất mới.
“Nhiều vật liệu chúng tôi vẫn nhập từ Trung Quốc vì quen với giá thành rẻ. Việc tìm nhà cung cấp mới tốn thêm thời gian và chi phí”, một người tham gia vào quá trình này cho biết. “Chỉ cần thiếu một thiết bị, chúng tôi không thể hoàn thiện dây chuyền sản xuất”.
Trung Quốc đã công bố danh sách dài hơn 160 trang về các mặt hàng và công nghệ lưỡng dụng. Danh sách bao gồm các nguyên liệu như tungsten, graphite, magiê và hợp kim nhôm, vốn được dùng phổ biến trong chuỗi cung ứng công nghệ.
Một số thiết bị kiểm tra và sản xuất như bộ chuyển đổi tín hiệu hoạt động ở nhiệt độ từ 125°C đến -54°C, hay công cụ kiểm tra con quay hồi chuyển trong sản xuất thiết bị điện tử, cũng nằm trong danh mục này.
Gali và graphite là hai vật liệu quan trọng trong sản xuất chip và các ứng dụng điện áp cao như xe điện và hệ thống năng lượng. Báo cáo đánh giá chuỗi cung ứng năm 2021 của chính quyền ông Biden đã gọi đây là những vật liệu chiến lược, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Bà Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn.
Dựa trên quan sát của bà, những lời đe dọa thương chiến thuế quan của ông Trump và sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc là những nguyên nhân chính khiến hải quan nước này tăng cường kiểm tra.
“Đây là một biện pháp tổng thể nhằm làm chậm tốc độ dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc”, bà nói. “Nếu tình trạng này tiếp diễn, nó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đa dạng hóa của các công ty”.