Huyền thoại Warren Buffett chuẩn bị cho con trai vai trò siêu quan trọng tại Berkshire Hathaway
Vị trí quan trọng
Khi Howard Buffett lần đầu mua một chiếc máy xúc lật, ông không biết phải khởi động nó như thế nào. Khi tranh cử làm ủy viên quận Douglas, bang Nebraska, ông không biết hội đồng này làm những việc gì. Ông chỉ biết rằng mình sẽ luôn tìm ra cách.
Cho đến nay, người con thứ hai của huyền thoại đầu tư Warren Buffett có một sự nghiệp rất đa dạng. Ông từng giữ chức cảnh sát trưởng, thành viên hội đồng ethanol của bang Nebraska và cả làm nông dân. Ông cũng từng phục vụ trong hội đồng quản trị (HĐQT) của nhiều công ty như Coca-Cola và điều hành một quỹ từ thiện.
Bây giờ, ở tuổi 70, ông đang chuẩn bị cho một công việc cực kỳ cao cấp, đó là Chủ tịch không điều hành của tập đoàn Berkshire Hathaway với vốn hoá gần 1.000 tỷ USD.
Howard khẳng định: “Khi thời điểm đến, tôi sẽ sẵn sàng cho vai trò mới. Đây là con người của tôi. Tôi đã kinh qua nhiều việc trong cuộc sống mà khi bắt đầu tôi không biết chính xác mình cần phải làm gì”.
Warren Buffett rất thẳng thắn về lý do ông muốn Howard giữ chức Chủ tịch không điều hành của Berkshire. Buffett chia sẻ với tờ Wall Street Journal: “Howard được giao vị trí đó vì là con trai tôi... Tôi là người cha rất may mắn vì có thể tin tưởng cả ba đứa con của mình”.
Từ khi còn nhỏ, Howard đã lắng nghe những cuộc trò chuyện qua điện thoại của Buffett và đặt câu hỏi về những gì ông không hiểu. Khi trưởng thành, ông tiếp tục xin lời khuyên của cha.
Và với tư cách là thành viên HĐQT của Berkshire trong hơn 30 năm, ông đã tận mắt chứng kiến chặng đường Buffett xây dựng Berkshire thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ.
Howard nói: “Cha đã chuẩn bị để tôi có khả năng đảm nhận vị trí ông giao phó. Ông đã dành rất nhiều năm giảng dạy và dặn dò tôi”.
Ở tuổi 94, Warren Buffett vẫn là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Berkshire. Cùng với cố tỷ phú Charlie Munger và các cấp dưới khác, Buffett đã chuyển đổi Berkshire từ một nhà máy dệt may thua lỗ thành tập đoàn đầu tư hàng đầu nước Mỹ với vốn hóa 954 tỷ USD.
Trong hàng chục năm qua, Buffett đã dành thời gian lên kế hoạch cho Berkshire và gia sản khổng lồ của ông sau khi ông qua đời.
Tại Berkshire, Buffett đã tuyên bố từ lâu rằng ông muốn người con thứ Howard Buffett kế thừa với tư cách Chủ tịch không điều hành để giúp bảo tồn văn hóa của tập đoàn.
Susie Buffett, con gái cả của ông, cũng phục vụ trong HĐQT Berkshire kể từ năm 2021. Người sẽ trở thành CEO và lãnh đạo tập đoàn là Greg Abel, một Phó Chủ tịch lâu năm tại Berkshire.
Buffett cũng nói rõ rằng các con cháu sẽ không được thừa kế phần lớn tài sản của ông. Cùng với hai người chị em Susie và Peter, Howard sẽ đảm nhận nhiệm vụ chuyển giao gần 140 tỷ USD cổ phiếu Berkshire của cha cho các hoạt động từ thiện.
Tương lai của Berkshire
Berkshire là một doanh nghiệp vô cùng độc đáo. Các công ty con của tập đoàn trải dài khắp các lĩnh vực trong nền kinh tế Mỹ, từ bảo hiểm đến điện nước, giày dép cho đến đường sắt. Berkshire sở hữu lượng cổ phiếu khổng lồ trong Apple, Bank of America, Coca-Cola và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, cũng như nắm trong tay hơn 300 tỷ USD tiền mặt và tín phiếu kho bạc.
Thành công vang dội của Warren Buffett trong các thương vụ đầu tư đã giúp ông xây dựng Berkshire thành một đế chế như ngày nay. Khi ông không còn ở vị trí đứng đầu, các cổ đông khác có thể gây áp lực đòi Berkshire bán các công ty con hoặc chia tiền cho họ dưới dạng cổ tức.
Buffett đã cân nhắc kỹ về những gì sẽ xảy ra với Berkshire khi ông không còn ở đó. Ông cho biết: “Tôi lo nghĩ về tương lai của Berkshire sau khi tôi qua đời hơn là những gì xảy ra khi tôi còn sống. Berkshire là tạo vật của tôi".
"Điều tôi muốn là một doanh nghiệp thành công và phản ánh triết lý doanh nghiệp thuộc về cổ đông… Doanh nghiệp như thế cần nhiều thời gian để xây dựng và có thể bị xé nhỏ rất nhanh chóng nếu rơi vào tay của những người muốn phá vỡ nó”, ông nói.
Vào năm 2013, Buffett từng mời nhà quản lý quỹ đầu cơ Doug Kass - khi đó đang bán khống Berkshire - gặp mặt để đặt câu hỏi. Một trong số câu hỏi xoay quanh việc Howard sẽ trở thành Chủ tịch không điều hành của tập đoàn.
Kass đánh giá: “Howard chưa bao giờ điều hành một tập đoàn đa dạng ngành nghề, cũng không phải chuyên gia quản trị rủi ro doanh nghiệp. Và theo những gì chúng tôi biết, ông ấy cũng chưa bao giờ thực hiện các khoản đầu tư cổ phiếu đáng kể, hay tham gia vào quá trình thu mua một công ty lớn. Ngoài việc sinh ra là con trai ông, vì sao Howard lại là người có đủ tư cách nhất để đảm nhận vai trò này?”
Buffett trả lời rằng công việc của Howard không giống như những gì Kass miêu tả. Ông cho biết: “Howard sẽ không phải nghĩ về việc vận hành Berkshire. Howard chỉ cần đánh giá xem liệu HĐQT - và bản thân nó với tư cách là một thành viên HĐQT - có cần phải thay đổi CEO hay không”.
Buffett giải thích rằng nếu HĐQT nhận ra họ đã thuê nhầm người cho chức CEO, việc có một chủ tịch không điều hành sẽ giúp họ dễ thay đổi nhân sự hơn.
Vậy văn hóa của Berkshire mà Howard Buffett cần bảo vệ là gì? Berkshire nổi tiếng với việc mua doanh nghiệp và giữ cho chúng tiếp tục hoạt động, cho các nhà quản lý quyền tự do điều hành và nắm giữ nhiều tiền mặt.
Howard đưa ra định nghĩa của ông: “Văn hóa của Berkshire là chú trọng sự đơn giản, làm những việc cần thiết và tránh làm nhiều những việc không thực sự cần thiết, đối xử với mọi người công bằng, tôn trọng các nhà quản lý và cổ đông. Thành thật nói với cổ đông những tin xấu”.
Howard khẳng định Berkshire sẽ giữ nguyên rất nhiều thứ sau khi cha ông qua đời. Ví dụ, trụ sở của tập đoàn sẽ luôn ở thành phố Omaha, bang Nebraska. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp cổ đông thường niên mà tại đó giới lãnh đạo dành nhiều thời gian trả lời câu hỏi từ cổ đông.
Về những vấn đề khác, Howard không nói chắc. Khi được hỏi liệu Berkshire có nên cân nhắc trả cổ tức không, ông cười và đáp: “Đây là câu hỏi bẫy… Tôi không thể trả lời vì tôi không biết”.
Về việc tách một công ty con khỏi tập đoàn, Howard nói rằng ông khó có thể nhận xét mà không biết kỹ bối cảnh xung quanh. Ông cho biết: “Đó không phải điều Berkshire thường làm, cần có lý do tốt thì chúng tôi mới thực hiện ngoại lệ… Một phần văn hóa của Berkshire là mua doanh nghiệp và giữ lấy nó”.