Warren Buffett dặn dò nhân viên: Mất tiền của công ty có thể tha thứ nhưng để mất thứ này thì không
Huyền thoại Warren Buffett được cộng đồng nhà đầu tư yếu mến vì kinh nghiệm lựa chọn cổ phiếu và lợi nhuận mà ông mang lại cho các cổ đông của tập đoàn Berkshire Hathaway.
Bên cạnh đó, Buffett cũng được biết đến với những lời khuyên giá trị có thể áp dụng vào đầu tư và cuộc sống. Dưới đây là một bài học thú vị mà vị tỷ phú 94 tuổi từng nhiều lần gửi gắm đến các nhân viên cấp dưới, theo tổng hợp của Benzinga:
Chuyện gì đã xảy ra?
“Nhà hiền triết xứ Omaha” có nhiều điểm nhấn trong sự nghiệp thành công chói lọi của mình, nhưng ông cũng từng trải qua khoảnh khắc tồi tệ khi đầu tư vào ngân hàng Salomon Brothers.
Vào năm 1987, tập đoàn của Warren Buffett đã chi 700 triệu USD để mua 12% cổ phần Salomon. Đến năm 1991, một vụ bê bối liên quan đến trái phiếu kho bạc Mỹ đã khiến ngân hàng gần như sụp đổ.
Để cứu vãn tình hình, Buffett phải trở thành Chủ tịch kiêm CEO tạm thời của Salomon và thực hiện những thay đổi để vực dậy ngân hàng đầu tư này.
Vào tháng 9/1991, trong một phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ, Buffett tiết lộ ông đã yêu cầu mọi nhân viên của Salomon phải biết tự quản lý chính mình.
Ông đưa ra hai yêu cầu cho các nhân viên. Yêu cầu đầu tiên là họ phải tuân thủ mọi quy định và tự hỏi chính mình rằng họ có muốn xuất hiện trên trang nhất các báo và để vợ con đọc được thành tích công việc của bản thân hay không.
Nếu các nhân viên tuân thủ quy tắc thứ nhất, Buffett khá tự tin rằng họ có thể bỏ qua yêu cầu thứ hai.
“Tôi có thể thông cảm nếu họ làm mất tiền của công ty. Tôi sẽ thật tàn nhẫn nếu họ đánh mất dù chỉ một chút danh tiếng của công ty”, Buffett cho hay trong phiên điều trần.
Về sau, Salomon được Travelers Group mua lại. Thương vụ đó đã mang lại lợi nhuận khá cho Berkshire và là minh chứng cho thấy Buffett đã thành công giải cứu ngân hàng như thế nào.
Bài học là gì?
Huyền thoại đầu tư 94 tuổi đã sử dụng câu chuyện của Salomon như một bài học kinh nghiệm quan trọng trong suốt nhiều năm khi thảo luận về giá trị của danh tiếng.
Buffett kể lại, Salomon biết một nhân viên có hành vi xấu nhưng không báo cáo lại và liên tục phớt lờ câu chuyện. Kết quả là ngân hàng này suýt thì sụp đổ.
Theo lời “nhà hiền triết xứ Omaha”, tất cả những gì Salomon phải làm là nhấc điện thoại lên và báo cáo giao dịch có vấn đề của người nhân viên. Song, cựu CEO John Gutfreund đã có quyết định huỷ hoại sự nghiệp của chính mình.
Từ vụ việc của Salomon, một trong những bài học quan trọng nhất mà Buffett kể với các nhà quản lý cấp dưới là về danh tiếng của doanh nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu thập niên 2000, Buffett cho hay: “Chúng ta có thể để mất tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Nhưng chúng ta không thể để mất danh tiếng. Ngay cả một chút cũng không. Hãy chắc rằng mọi thứ chúng ta làm đều có thể được đưa tin trên trang nhất của một tờ báo quốc gia”.
Trong cuộc phỏng vấn, ông cho biết Berkshire đã được vinh danh là một trong những doanh nghiệp đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới và phải mất 37 năm tập đoàn mới đạt được thành tựu này.
“Chúng ta có thể đánh mất danh tiếng cả đời chỉ trong 37 phút và đó là một thông điệp quan trọng”, Buffett tiếp lời. Ông nhấn mạnh một khi danh tiếng đã mất, không ai có thể lấy lại được.
Sự tập trung vào danh tiếng có thể là một trong những lý do giúp Berkshire vượt qua được thử thách của thời gian và là một cách để Buffett phát hiện ra những CEO giỏi và công ty tốt để đầu tư.
Salomon Brothers được thành lập vào năm 1910 bởi ba anh em người Do Thái là Arthur, Herbert và Percy Salomon với số vốn ban đầu 5.000 USD.
Trong Thế chiến thứ nhất, chính phủ Mỹ phải vay nợ rất nhiều để tài trợ cho chiến tranh nên đã tăng cường phát hành trái phiếu. Trước khi chiến tranh kết thúc vào năm 1918, Salomon đã nổi lên là một tay chơi đáng gờm trên thị trường trái phiếu chính phủ non trẻ.
Sau khi vượt qua cuộc Đại Khủng hoảng trong thập niên 1930, Salomon tiếp tục lớn mạnh và đến những năm 1960 đã trở thành một trong "Bộ tứ đáng sợ" trên Phố Wall cùng ba đại gia khác là Lehman Brothers, Blythe, và Merril Lynch.
Đến năm 1991, công ty luật chuyên tư vấn cho Salomon phát hiện hai cán bộ giao dịch chứng khoán, bao gồm Giám đốc phòng trái phiếu Paul Mozer, đã vi phạm quy định đấu thầu trái phiếu kho bạc nhiều lần trong năm 1990 và 1991.
Từ năm 1990, mỗi thành viên thị trường trái phiếu kho bạc chỉ được đăng ký mua tối đa 35% lượng trái phiếu mời thầu trong mỗi phiên. Vào tháng 12/1990 và tháng 2/1991, Paul Mozer đã đại diện Salomon dự thầu 35% hạn ngạch được phép, sau đó tiếp tục giả danh khách hàng của Salomon để đặt mua thêm trái phiếu.
Tất cả trái phiếu trúng thầu dưới tư cách của Salomon và của khách hàng đều được đưa vào tài khoản tự doanh của ngân hàng, khách hàng từ đầu đến cuối không hề hay biết.
Cánh tay phải đắc lực của Warren Buffett là cố tỷ phú Charlie Munger sau đó tìm hiểu được rằng ban lãnh đạo của Salomon đã biết về sai phạm của Mozer từ cuối tháng 4.
Họ từng kết luận vấn đề khá nghiêm trọng, cần phải được thông báo cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York. Tuy nhiên, Salomon không có bất kỳ động thái gì trong các tháng sau đó.
Đến ngày 9/8 khi bản thông cáo báo chí của Salomon được công bố, dư luận cũng không hề biết rằng ban lãnh đạo ngân hàng đã nắm được sai phạm từ lâu nhưng giấu kín trong nhiều tháng.
Munger đề nghị Salomon phải công khai thừa nhận đầy đủ trách nhiệm nhưng luật sư của ngân hàng này cho rằng việc công bố quá nhiều thông tin sẽ gây ảnh hưởng tới danh tiếng và khả năng huy động vốn để trả hàng tỷ USD nghĩa vụ nợ đến hạn mỗi ngày.
Ngày 13/8, CEO Gutfreund nhận được một bức thư của Fed chi nhánh New York với lời lẽ khá nặng nề. Fed yêu cầu Salomon phải báo cáo đầy đủ tất cả "những bất thường, vi phạm và hoạt động giám sát" trong vòng 10 ngày sau khi nhận được bức thư.
Tuy nhiên trong cuộc họp hội đồng quản trị ngày 14/8, CEO của Salomon không hề tiết lộ cho Buffett và các ủy viên khác biết về bức thư của Fed cũng như yêu cầu báo cáo toàn diện.
Thực tế là phải hơn một tháng sau, Buffett và hội đồng quản trị của Salomon mới biết đến bức thư. Sau đó, Buffett phải bắt tay vào giải quyết mớ hỗn độn của Salomon.