Chiến lược giá (Pricing Strategy) trong marketing là gì?
Hình minh họa (Nguồn: HotelCareers.vn)
Chiến lược giá (Pricing Strategy)
Khái niệm
Chiến lược giá trong tiếng Anh gọi là Pricing Strategy.
Chiến lược giá thực chất là việc xác định mục tiêu và định hướng cho mức giá bán sản phẩm của doanh nghiệp trong dài hạn.
Các chiến lược giá
Khi phát triển một sản phẩm mới ra thị trường, nhà quản trị marketing cần cân nhắc xem nên vào thị trường với chiến lược giá như thế nào, các doanh nghiệp thường theo đuổi hai chiến lược ngược nhau:
Chiến lược giá lướt nhanh
Chiến lược giá lướt nhanh hay còn gọi là chiến lược giá "hớt váng sữa" với nội dung là người bán đặt ra giá bán ban đầu tương đối cao cho những sản phẩm mới để khai thác nhu cầu của một nhóm khách hàng có sức mua cao, để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận.
Sau khi khai thác hết nhóm khách hàng này, doanh nghiệp giảm dần xuống để khai thác những nhóm khách hàng có sức mua thấp hơn. Chiến lược này được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp có vị trí độc quyền tạm thời và trong trường hợp mà nhu cầu của sản phẩm không co giãn theo giá.
- Trên thị trường có sẵn những nhóm người có sức mua cao, sẵn sàng mua. Họ rất quan tâm đến tính mới và độc đáo của sản phẩm mới.
- Doanh nghiệp sản xuất đã có uy tín hình ảnh chất lượng cao trên thị trường.
- Mặt hàng mới này có chất lượng cao và mức giá cao lại góp phần tạo nên hình ảnh về một loại sản phẩm có chất lượng cao.
- Giá cao ban đầu không nhanh chóng thu hút thêm những đối thủ cạnh tranh mới.
- Chi phí sản xuất đơn vị sản phẩm khi sản xuất khối lượng sản phẩm nhỏ không quá cao.
- Mức giá ban đầu cao có thể được sử dụng để giữ mức cầu trong khi qui mô sản xuất tiềm năng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chiến lược giá thâm nhập
Chiến lược định giá thâm nhập với nội dung là doanh nghiệp định giá ban đầu tương đối thấp cho sản phẩm mới để khuyến khích người mua nhằm nhanh chóng mở rộng thị trường tăng khối lượng tiêu thụ.
Mục tiêu là sau một thời gian, doanh nghiệp sẽ chiếm được thị phần và có thể dẫn đầu về tỉ phần thị trường.
Thông thường, chiến lược này thường được sử dụng khi doanh nghiệp mong muốn tiến hành phát triển thị trường, nhanh chóng tăng sức cạnh tranh và khi mà nhu cầu của sản phẩm, ít nhất là trong ngắn hạn co giãn lớn theo giá.
Chiến lược này thích hợp với những doanh nghiệp có hiệu quả kinh tế theo qui mô lớn và có đường kinh nghiệm phát huy hiệu quả.
Nếu các đối thủ cạnh tranh có thể thâm nhập vào thị trường một cách nhanh chóng, và tiềm năng thị trường về sản phẩm là rất hứa hẹn, nhà quản trị marketing nên theo đuổi chính sách giá thâm nhập.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)