|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chỉ dẫn địa lí (Geographical indications) và điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

17:10 | 09/08/2019
Chia sẻ
Chỉ dẫn địa lí (tiếng Anh: Geographical indications) là thông tin về nguồn gốc của hàng hoá. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hoá là do chỉ dẫn địa lí tạo nên. Vì vậy, chỉ dẫn địa lí cũng là đối tượng cần được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
book-on-wooden-table

Hình minh họa (Nguồn: ILO).

Chỉ dẫn địa lí (Geographical indications)

Chỉ dẫn địa lí - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Geographical indications.

Theo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2013, "Chỉ dẫn địa lí là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể."

"Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh".

Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lí bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa được xác lập trên cơ sở đăng kí với Cục Sở hữu trí tuệ. Chỉ dẫn địa lí được bảo hộ vô thời hạn.

Điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lí

Chỉ dẫn địa lí được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí có nguồn gốc địa lí từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lí

Đây là điều kiện cần, bởi lẽ một sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí của một địa phương nhưng lại không được làm ra tại chính địa phương đó. Trường hợp này chỉ dẫn địa lí trở nên vô nghĩa, thậm chí có thể bị xem là hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lí của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lí đó quyết định.

Đây là điều kiện đủ để một sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rã người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó. 

Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí được xác định bằng một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lí, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra bằng phương tiện kĩ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

Theo Điều 83 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2013:  "Khu vực địa lí mang chỉ dẫn địa lí có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ."

Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lí

- Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam;

- Chỉ dẫn địa lí của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lí không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

- Chỉ dẫn địa lí trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lí đó được thực hiện thì sẽ gây ra nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;

- Chỉ dẫn địa lí gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lí của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí đó. (Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu Trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Khai Hoan Chu