|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chàng trai lên Shark Tank Việt Nam để gọi vốn xe lăn điện dành cho người tàn tật

12:00 | 14/01/2018
Chia sẻ
Không đánh giá cao tiềm năng lợi nhuận từ dự án sản xuất xe lăn điện cho người khuyết tật, nhưng ba nhà đầu tư trong Shark Tank Việt Nam vẫn rót 1 tỷ đồng cho công ty.
bo qua loi nhuan ba ca map shark tank viet nam rot von cho xe lan dien Lên sóng Shark Tank Việt Nam, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên nhận 11 tỷ đồng

Trải qua 10 tập phát sóng, 30 công ty khởi nghiệp đã xuất hiện trong chương trình “Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ”. Nhiều người khởi nghiệp thất bại vì không tìm được tiếng nói chung với nhà đầu tư. Một số lý do khiến các “cá mập” từ chối rót tiền như định giá công ty không đúng, sản phẩm chưa đặc biệt, thiếu yếu tố công nghệ, khả năng mang lại lợi nhuận thấp... Đặt vấn đề lợi nhuận qua một bên, tập 10 Shark Tank ghi nhận một thương vụ đầy tính nhân văn, vì cộng đồng.

Đến với Shark Tank Việt Nam ngày 13/1, chàng trai trẻ Lê Văn Hóa hy vọng huy động số vốn 1 tỷ đồng đổi lấy 20% công ty Phát triển sản phẩm thông minh VH - công ty sản xuất thiết bị xe lăn điện dành cho người khuyết tật.

bo qua loi nhuan ba ca map shark tank viet nam rot von cho xe lan dien
Lê Văn Hóa kêu gọi số vốn 1 tỷ đồng đổi lấy 20% Công ty Phát triển sản phẩm thông minh VH - công ty sản xuất thiết bị xe lăn điện dành cho người khuyết tật. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Ý tưởng dự án của Hóa xuất phát từ chính câu chuyện người bố anh. 15 năm trước, một sự cố tai nạn khiến bố Hóa liệt toàn thân. Hoàn cảnh khó khăn là động lực thôi thúc Hóa cải thiện cuộc sống cho bố. Từ khi mới học lớp 8, Hóa đã bắt đầu tìm tòi mày mò chế tạo sản phẩm giúp bố sinh hoạt thuận tiện hơn. Sau này, anh nhận ra, những sản phẩm mà anh sáng chế có thể hỗ trợ người khuyết tật cùng hoàn cảnh như bố. Hóa quyết định nghiên cứu và chế tạo những sản phẩm khác.

Theo số liệu thống kê năm 2015 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Việt Nam có 7 triệu người khuyết tật. Số người khuyết tật vận động chiếm 75% - tương đương hơn 5 triệu người. Kết quả khảo sát của Hóa cho thấy, trong 10 người khuyết tật thì 8 người có nhu cầu mua xe lăn điện nhưng chỉ 3 người đủ điều kiện tài chính mua xe lăn điện của nước ngoài.

Bởi vậy, Hóa phát triển sản phẩm xe lăn điện với mong muốn giảm giá thành sản phẩm, giúp người khuyết tật có thiết bị mà không mất nhiều tiền.

Hiện tại, Hóa phát triển được 4 sản phẩm, bao gồm xe lăn điện ba bánh dành cho người khuyết tật nhẹ (giá gần 5 triệu đồng), xe lăn dùng cho người già khuyết tật (giá 6 triệu đồng), xe lăn có thể di duyển và đứng (giá 8 triệu đồng), đặc biệt dòng xe đa năng tích hợp tám công dụng: đứng, ngồi, nằm, di chuyển, matxa, vệ sinh (giá 21 triệu đồng), đang phát triển dòng xe phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

“Giá thành rẻ, thiết bị phù hợp với vóc dáng người Việt là ưu việt của sản phẩm công ty tôi”, Hóa nói.

Hóa thành lập Công ty Phát triển sản phẩm thông minh VH giữa năm 2017. Vừa qua, công ty trải qua giai đoạn thử nghiệm sản phẩm, khảo sát thị trường nên chưa bán sản phẩm nào, đồng nghĩa là công ty chưa có con số tài chính, lợi nhuận. Hóa mong muốn số vốn 1 tỷ kêu gọi được sẽ giúp anh phát triển máy móc và con người phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng ý tưởng vì người thân hay ai đó là tốt nhưng chưa đủ, một sản phẩm phải dựa trên thị trường lớn. Vì vậy, xét về mặt đầu tư, ông Phú từ chối nhưng ông hứa cho Hóa mượn nhà máy để sản xuất.

Cũng quyết định không đầu tư, bà Thái Văn Linh khuyên Hóa nên tìm khách hàng và chứng minh sản phẩm có thị trường trước rồi gọi vốn. Tuy nhiên, bà sẵn sàng hỗ trợ Hóa về hoạt động tiếp thị, tìm hiểu thị trường.

Doanh nhân Phạm Thanh Hưng đưa ra con số 1 tỷ đồng đổi lấy 35% cổ phần. “Anh muốn đầu tư để em có thêm động lực, chính xác là áp lực để nhìn nhận vấn đề nghiêm túc hơn và có thể trở thành một trong những thương hiệu sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật”, ông Hưng nói.

Chủ tịch Egroup, ông Nguyễn Ngọc Thủy, cũng quyết định rót 1 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty cùng điều kiện ông sẽ lấy thêm một số sản phẩm bằng giá sản xuất.

Từng khởi nghiệp lĩnh vực cơ khí, ông Trần Anh Vương phân tích những khó khăn trong ngành này. Do đó, ông tham gia góp vốn nhưng ông thẳng thắn cho biết quyết định đầu tư của ông là sự hỗ trợ dự án, chứ không phải vì tiềm năng hay lợi nhuận.

Liên minh đầu tư hình thành khi ông Vương cùng ông Thủy và ông Hưng đưa ra con số cuối cùng là 1 tỷ cho 36% cổ phần.

Cảm kích khi các nhà đầu tư không đặt nặng lợi nhuận công ty mà đề cao tính nhân đạo của dự án, Hóa đồng ý với lời đề nghị.

Bùi Mến

Chủ tịch nước đề nghị Boeing nghiên cứu xây nhà máy linh kiện ở Việt Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Boeing sớm nghiên cứu, triển khai đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các cảng hàng không lớn của Việt Nam.