|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Pfizer lần đầu tiết lộ câu chuyện đằng sau việc sản xuất, đàm phán mua bán vắc xin COVID-19

09:40 | 26/06/2021
Chia sẻ
Trong năm nay, 3 tỷ liều vắc xin COVID-19 sẽ được Pfizer sản xuất và 2 tỷ trong đó sẽ được dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Cách đây một năm, Pfizer là một trong nhiều công ty dược trên thế giới chạy đua phát triển vắc xin ngừa COVID-19. Đến hôm nay, sản phẩm vắc xin dùng công nghệ mRNA do Pfizer hợp tác với BioNTech của Đức là một trong những loại vắc xin hiệu quả cao nhất và được dùng rộng rãi.

Pfizer đã chuyển giao hơn 700 triệu liều vắc xin COVID-19 đến 101 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 179 triệu liều được sử dụng ở Mỹ. Hãng đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu rất lớn của thế giới.

Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Fortune, CEO Pfizer - Albert Bourla đã có nhiều tiết lộ về hậu trường đàm phán vắc xin, tình hình sản xuất cũng như việc phân phối vắc xin cho thế giới.

Câu chuyện sản xuất và đàm phán mua bán vắc xin của Pfizer  - Ảnh 1.

CEO Pfizer - Albert Bourla phát biểu trước Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP).

Ông Bourla cho biết bản thân ông không tham gia trực tiếp vào quá trình thương lượng, đàm phán. Pfizer đã có quy trình cho việc này. Họ xây dựng chính sách giá theo thang bậc. 

Nếu là nước thu nhập cao như ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản thì giá vắc xin cao hơn. Với nước có thu nhập trung bình, giá sẽ bằng một nửa, và nếu thu nhập thấp, giá sẽ phi lợi nhuận. 

Pfizer cũng đã thông báo đến tất cả chính phủ từ tháng 5 và 6/2020. Ông Bourla nói rằng nước nào quan tâm thì sẽ tìm đến họ để đàm phán, khi các nước lớn bắt đầu gom vắc xin, vị CEO chỉ can thiệp để thông báo với một số nước không đặt hàng.

Ông Bourla tiết lộ vào thời điểm tháng 12/2020, khi vắc xin bắt đầu cho thấy sự hiệu quả thì cũng là lúc nhiều nước chưa kịp đặt hàng gọi điện để mua nhiều hơn. 

Trả lời về việc Pfizer ưu tiên các đơn hàng ra sao, ông Bourla cho biết công ty đã ký thỏa thuận cung cấp với nhiều quốc gia. Đầu tiên là Anh, rồi đến Mỹ, EU. Những thỏa thuận này đi kèm với lịch giao hàng cụ thể, ví dụ trong quý I sẽ giao bao nhiêu liều, quý II là bao nhiêu...

Như vậy, lượng đơn hàng sẽ rất lớn và Pfizer cho biết họ đã tìm cách đầu tư tiền bạc, tăng công suất, cải tiến quá trình, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng gấp đôi sản lượng. 

"Vì chế tạo máy móc mới tốn hơn một năm, chúng tôi dùng các module có sẵn rồi chuyển chúng từ Texas đến Kalamazoo", CEO Pfizer tiết lộ. 

Hiện, Pfizer đang gặp vấn đề về nguyên liệu thô, điều này làm hạn chế việc sản xuất rất nhiều. Theo ông Bourla, nguyên liệu thô là các thành phần hết sức đặc biệt, một số chỉ được cung cấp bởi 2 - 3 nhà sản xuất, không đủ cung cấp cho sản xuất. Pfizer cũng đã bắt đầu tự sản xuất một vài nguyên liệu.

CEO Pfizer cũng bày tỏ những lo lắng về việc phân phối vắc xin toàn cầu khi tỷ lệ người tiêm vắc xin ở nước giàu đang vượt trội hơn so với nước nghèo. Tuy nhiên, ông Bourla cũng lạc quan về tương lai và tin rằng tất cả mọi người đều sẽ được tiêm phòng. 

Vị CEO tiết lộ công ty sẽ sản xuất ba tỷ liều trong năm nay và nửa đầu năm sẽ làm được một tỷ liều và 2 tỷ liều cho phần còn lại, số này sẽ dành cho các nước thu nhập trung bình và thấp.

Trả lời về vấn đề chuyển giao công nghệ và bỏ bảo hộ bản quyền, ông Bourla nói rằng hiện vấn đề của việc cung ứng vắc xin COVID-19 không phải là vấn đề bản quyền. Như đã nói, Pfizer chỉ đang khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô - thức ngăn cản họ bào chế 6 tỷ liều vắc xin trong 18 tháng tới.

Thùy Trang