|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 22/7: Thế giới vượt mốc 15 triệu ca nhiễm COVID-19

07:39 | 22/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới vượt mốc 15 triệu ca nhiễm COVID-19. Thêm hai bộ trưởng Brazil dương tính. Trong khi đó, Việt Nam đã 97 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam: 5 ca nhiễm mới từ Mỹ và Nga được cách li ngay khi nhập cảnh

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 97 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 22/7, Việt Nam hiện ghi nhận 401 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 261 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 12.484.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 22/7: Thế giới vượt mốc 15 triệu ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Tình hình các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp này trở về từ Mỹ và Nga, được cách li ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/401 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 91,2% tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 1 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 30 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu vượt 15 triệu, Mỹ ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm 

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 22/7, toàn thế giới có tổng cộng 15.071.662  ca mắc COVID-19, trong đó có 618.270 người tử vong và 9.101.515 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã cán mốc bốn triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.023.947 (chiếm 26,72% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 62.518 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.054 ca, nâng tổng số lên 144.888 (gần 1/4 trường hợp tử vong toàn cầu). 

Theo thống kê cho thấy, số ca nhiễm mới và số ca tử vong hằng ngày tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới nCoV tăng mạnh, với 9.440 ca ở Florida, 8.022 ca ở Texas và 9.428 ca ở California.

Theo AFP, Thống đốc bang Florida, Mỹ, kêu gọi những người mắc COVID-19 đã hồi phục hiến huyết tương để cứu các bệnh nhân khi bệnh viện quá tải và thiếu thuốc, bất chấp bị một nhóm người dân biểu tình hò hét phản đối khi đưa ra lời kêu gọi trên tại trung tâm hiến máu OneBlood ở thành phố Orlando hôm 20/7.

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 20/7 sẽ nối lại họp báo hàng ngày về COVID-19 vào 17h ngày 21/7 sau khi ngừng hoạt động và bị ông cho là "lãng phí thời gian" này hồi tháng 4. Trump cho rằng việc họp báo sẽ tạo điều kiện để quảng bá những thành tựu về điều trị và vaccine, cũng như giải thích "những điều tích cực" mà chính quyền đang làm để chiến đấu với đại dịch.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 38.009 ca nhiễm mới và 1.236 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.159.654 và 81.487. 

Theo thống kê, số ca nhiễm mới của nước nay đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng số ca nhiễm nCoV thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Theo Reuters, Bộ trưởng Quyền công dân Onyx Lorenzoni và tân Bộ trưởng Giáo dục Brazil Milton Ribeiro công bố kết quả xét nghiệm dương tính nCoV hôm 20/7 và đang tự cách li.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 1.194.085 ca nhiễm và 28.771 ca tử vong, tăng lần lượt 39.168 và 672.

Số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày tại Ấn Độ đang tăng lên. Chính quyền địa phương khắp Ấn Độ đang tái áp đặt các hạn chế mới được dỡ bỏ gần đây. Một số bang đã bắt đầu tái phong toả từ hôm 15/7.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.842 ca mắc và 153 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 783.328 trường hợp, trong đó 12.580 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang có dấu hiệu giảm nhẹ.

Đây là ngày thứ 26 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Theo Bloomberg, sau khi bị phương Tây gốm Anh, Mỹ và Canada cáo buộc đánh cắp thông tin nghiên cứu vaccine COVID-19, Nga tuyên bố có thể tung ra vaccine ngay trong tháng 9.

Nam Phi đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới với tổng số bệnh nhân mắc nCoV đã vượt 300.000 người, cụ thể là 381.798 ca, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 5.368.

Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.693 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.817 bệnh nhân được chữa khỏi.

Theo AFP,  Trung Quốc hầu như đã kiểm soát được tình hình đại dịch trong nước và đang dần nới lỏng lệnh cấm đối với hầu hết du khách nước ngoài được áp dụng từ hồi tháng 3.

Thông báo được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đưa ra hôm qua 21/7 nêu rõ công dân nước này phải đăng ảnh chụp giấy chứng nhận âm tính với nCoV lên một ứng dụng theo dõi sức khỏe, trong khi hành khách nước ngoài phải nộp cho đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Trung Quốc bằng chứng cho thấy họ không mang nCoV trước khi lên chuyến bay tới nước này.

Đồng thời, xét nghiệm nCoV nên được thực hiện trước chuyến bay 5 ngày. Tất cả hành khách đến Trung Quốc cũng phải kiểm tra y tế sau khi xuống máy bay, và cách li 14 ngày với chi phí tự túc tại các khách sạn được chỉ định.

Nước này cũng nới lỏng hạn chế với chuyến bay của các hãng hàng không nước ngoài, tuy nhiên ra qui định xử phạt nếu phát hiện bất kì hành khách nào nhiễm nCoV.

Theo AFP, việc qui định và nhắc nhở người dân đeo khẩu trang tại một số bang tại Mỹ đang trở thành một vấn đề nhạy cảm, khi rất nhiều cuộc thịnh nộ, tranh cãi, và biểu tình xảy ra vì việc đeo khẩu trang hay không. Vì vấn đề này đã khiến giám đốc y tế quận Cam Nichole Quick từ chức vào tháng trước, sau nhiều tuần bảo vệ qui định đeo khẩu trang toàn quận. Một bộ phận người dân Mỹ đang coi nhẹ đại dịch COVID-19 và nghĩ đây là một "trò bịp". 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 22/7: Thế giới vượt mốc 15 triệu ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Người biểu tình phản đối khẩu trang ở Ohio ngày 18/7. (Ảnh: AFP)

Iran báo cáo thêm 229 người chết vì nCoV, đây là số ca tử vong cao kỉ lục trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên 14.634. Hiện tổng số ca nhiễm của nước này là 278.827 sau khi ghi nhận thêm 2.625 ca nhiễm mới. Theo thống kê, số ca tử vong hàng ngày cho đại dịch đang tăng lên.

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, chính phủ nước này đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín, đồng thời cho phép những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề tái áp đặt các biện pháp hạn chế, bao gồm thủ đô Tehran.

Philippines trong 24 giờ qua có thêm 1.951 ca nhiễm mới, và 2 ca tử vong do nCoV, nâng tổng số lên 70.764 ca nhiễm và 1.837 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới và tử vong tại nước nay đang diễn biến phức tạp và đều có xu hướng tăng cao.

Theo Reuters, mới đây Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn và làm lây lan nCoV là "tội phạm nghiêm trọng".

Ông đề nghị cảnh sát không do dự khi bắt và đưa người vi phạm tới giam ở đồn để họ "nhận được bài học". Duterte nói thêm sẽ yêu cầu lực lượng hành pháp nghiêm khắc hơn và thực hiện những biện pháp khiến người vi phạm phải ghi nhớ mãi mãi.

Như Ý

Chủ tịch Dragon Capital: Lần cuối cùng có thương vụ IPO đình đám đã 6 năm trước
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói thương vụ IPO đình đám gần nhất đã diễn ra từ năm 2018, tại Diễn đàn M&A 2024.