|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/7: Hong Kong mất kiểm soát với COVID-19, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ cao kỉ lục

07:24 | 20/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới vượt mốc 14 triệu ca nhiễm COVID-19. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục, Hong Kong mất kiểm soát với COVID-19. Trong khi đó, Việt Nam đã 95 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam: 95 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, một ca nhiễm mới được cách li ngay khi nhập cảnh

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 21/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 95 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 20/7, Việt Nam hiện ghi nhận 383 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 243 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 11.697.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/7: Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới cao kỉ lục - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Ca mắc mới gần nhất được Ban Chỉ đạo công bố là ca bênh 383. Đây là bệnh nhân nam, 40 tuổi, quốc tịch Myanmar, thủy thủ tàu IPANEMA, đã được cách li ngay khi nhập cảnh.

Hiện bệnh nhân đang được cách li, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 357/383 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 93,2% tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 11 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục, Hong Kong mất kiểm soát với COVID-19 

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 20/7, toàn thế giới có tổng cộng 14.623.088 ca mắc COVID-19, trong đó có 608.435 người tử vong và 8.726.037 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

WHO cho rằng nhiều lãnh đạo chính phủ các nước đang đi sai hướng trong đại dịch COVID-19, và một số nước không thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn dịch lây lan.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa ba triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 3.889.687 (chiếm 26,62% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 56.416 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 359 ca, nâng tổng số lên 143.236.

Số ca tử vong và số ca nhiễm mới của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều bệnh viện tại Mỹ điêu đứng trước sóng bùng phát nCoV mới: Phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, y tá đổ bệnh hàng loạt, thiếu hụt thiết bị xét nghiệm, thuốc chống virus và nhân lực...

Theo CNA, tại Texas và Arizona, nơi đang đối phó với sự gia tăng mạnh mẽ ca nhiễm và tử vong do nCoV, giới chức phải biến các xe tải đông lạnh thành nhà xác do các bệnh viện đang phải chứa quá nhiều thi thể.

Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng COVID-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.

Ít nhất 27 bang đã quyết định dừng hoặc rút lại kế hoạch tái mở cửa nhằm làm chậm tốc độ lây lan của virus.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ đã áp đặt lệnh tái phong toả báo cáo số ca nhiễm mới có dấu hiệu giảm khá nhiều như Texas (4.958 ca), California (4.899 ca). Ngoại trừ Florida không đi theo đường lối của hai bang trên, như tái phong tỏa hay bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian trong nhà, bang này 24 giờ qua ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao 12.478 ca.

Theo The Hill, Tổng thống Donald Trump vẫn đang thúc ép các trường học trên khắp nước Mỹ mở cửa và tiến hành giảng dạy trực tiếp trong mùa thu này. Trump cũng tuyên bố sẽ không ban hành chỉ thị yêu cầu người dân cả nước đeo khẩu trang, do không cho rằng khẩu trang có hiệu quả trong việc ngăn virus lây lan.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 23.143 ca nhiễm mới và 671 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.098.389 và 79.488. 

Tổng số ca nhiễm tại nước này đã vượt 2 triệu, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Theo AFP, Giám đốc Phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan nói trong cuộc họp trực tuyến hôm 16/7: "Sự gia tăng các ca nhiễm ở Brazil không còn theo cấp số nhân, nó đã hạ thấp" và khẳng định tỉ lệ lây nhiễm ở Brazil đang "ổn định".

Ông chỉ ra rằng tỉ lệ lây nhiễm nCoV ở Brazil hồi tháng 4 và tháng 5 tương đối cao, lần lượt ở mức hơn 1,5 và hai, con số này gần đây đã giảm xuống mức từ 0,5 đến 1,5, Ryan khẳng định thêm rằng "virus không còn lây lan nhanh trong cộng đồng như trước". Dù nhấn mạnh đây là tin tốt, Ryan vẫn cảnh báo "không có gì đảm bảo rằng tỉ lệ lây nhiễm nCoV sẽ tự giảm xuống".

Quan chức của WHO kêu gọi Brazil tận dụng thời cơ và thực hiện những biện pháp phối hợp, bền vững để "kiểm soát" dịch bệnh.

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người dương tính COVID-19, nhiều lần đánh giá thấp mối đe dọa của dịch bệnh, chỉ coi đây là "cúm vặt" và phớt lờ các qui tắc cách li cộng đồng, bao gồm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ông cho rằng những biện pháp hạn chế ngăn COVID-19 gây nên hậu quả còn tồi tệ hơn đại dịch.

Tổng thống cho rằng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn nCoV lây lan đang "giết chết" và "bóp nghẹt" nền kinh tế của nước này.

"Không có lương và việc làm, người dân sẽ chết", Reuters dẫn lời ông Bolsonaro ngày 18/7 tại dinh tổng thống, Cung điện Alvorada, ở thủ đô Brasilia, đề cập tới các biện pháp hạn chế mà một số bang, thành phố đang áp dụng nhằm kiểm soát COVID-19.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 1.118.107 ca nhiễm và 27.503 ca tử vong, tăng lần lượt 40.243 và 675. Nước này hôm nay ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục kể từ dịch COVID-19 bùng phát.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết dịch đang lây lan sang những thành phố nhỏ hơn và vùng nông thôn.

Chính quyền địa phương khắp Ấn Độ đang tái áp đặt các hạn chế mới được dỡ bỏ gần đây. Một số bang đã bắt đầu tái phong toả từ hôm 15/7.

Hiệp hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) hôm 16/7 đã cảnh báo toàn khu vực Nam Á đang trở thành tâm dịch COVID-19 tiếp theo.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 6.109 ca mắc và 95 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 771.546 trường hợp, trong đó 12.342 trường hợp tử vong. Theo thống kê, số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang có dấu hiệu giảm nhẹ.

Đây là ngày thứ 24 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Nam Phi đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới với tổng số bệnh nhân mắc nCoV đã vượt 300.000 người, cụ thể là 364.328 ca, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 5.033.

Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 16 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.660 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.775 bệnh nhân được chữa khỏi.

Theo Reuters, Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương của Trung Quốc, đã chuyển sang chế độ "thời chiến" và đưa ra các kế hoạch ứng phó khẩn cấp ngăn COVID-19 hôm18/7. Thành phố này ghi nhận các ca nhiễm mới và các ca nhiễm không triệu chứng ở cụm dịch quận Thiên Sơn.

Hong Kong mất kiểm soát COVID-19 

Hong Kong ghi nhận 108 ca nhiễm nCoV mới, đây là mức tăng kỉ lục kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.886. Đặc khu này là một trong những nơi đầu tiên bị COVID-19 tấn công sau khi nó bùng phát ở Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.

Theo AFP, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam hôm qua 19/7 cho hay COVID-19 tại đặc khu rất nghiêm trọng và đang vượt khỏi tầm kiểm soát.

"Tôi nghĩ tình hình hiện nay vô cùng nghiêm trọng và không có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh đang được kiểm soát", bà Lam nói với các phóng viên.

Hong Kong ban đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên, tình hình bắt đầu trở nên xấu đi từ cuối tháng 6. Hai tuần qua, số ca nhiễm nCoV liên tục tăng mạnh. Các bác sĩ đang lo ngại về nguy cơ không thể xác định nguồn lây lan virus, khiến nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trở nên rất khó khăn.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/7: Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới cao kỉ lục - Ảnh 2.

Một ga tàu điện ngầm ở Hong Kong ngày 14/7. (Ảnh: Reuters)

Trưởng đặc khu Carrie Lam tuần trước thông báo áp dụng các biện pháp cách biệt cộng đồng mới, đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh, yêu cầu mọi người dân phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Nhà hàng chỉ được phục vụ đồ ăn mang đi vào buổi tối.

Hôm qua 19/7, bà tiếp tục công bố các biện pháp nghiêm ngặt hơn, bao gồm lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng khép kín và yêu cầu những công chức không thiết yếu làm việc từ xa.

Iran, với dân số trên 80 triệu người, là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Nước này ghi nhận thêm 2.182 ca nhiểm mới, và 209 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 273.788, trong đó có 14.188 trường hợp tử vong.

Theo Reuters, các số liệu COVID-19 tại Iran có xu hướng tăng kể từ đầu tháng 5, khiến chính phủ ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín, đồng thời cho phép những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Giới chức quyết định tái đóng cửa một số doanh nghiệp tại thủ đô Tehran để kiềm chế nCoV từ 14/7.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 18/7 nói rằng 25 triệu người dân nước này đã nhiễm nCoV, trong khi 35 triệu người khác cũng có nguy cơ nhiễm virus. 

Tuy nhiên, Bộ Y tế Iran thông báo hôm 19/7 con số 25 triệu ca nCoV mà Tổng thống Rouhani đưa ra dựa trên xét nghiệm huyết thanh và không thể dùng nó để phản ánh tình hình dịch.

"Xét nghiệm huyết thanh chỉ cho thấy liệu ai đó từng tiếp xúc với virus trong quá khứ hay chưa", Mostafa Qanei, người đứng đầu ủy ban khoa học thuộc nhóm chuyên trách chống COVID-19 của chính phủ Iran, cho hay. Theo ông, để chẩn đoán COVID-19 chính xác cần thực hiện xét nghiệm PCR mũi họng.

Nhóm chuyên tránh chống COVID-19 của Iran hôm 18/7 cho hay con số 25 triệu ca nhiễm "ảnh hưởng nhẹ tới tâm lí của những bệnh nhân... không cần thiết phải tìm kiếm tư vấn y tế".

Như Ý