|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 17/7: Thế giới sắp chạm mốc 14 triệu ca nhiễm COVID-19

07:24 | 17/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới sắp chạm mốc 14 triệu ca nhiễm COVID-19. Ấn Độ tái phong tỏa, rạp chiếu phim Trung Quốc sắp hoạt động trở lại. Trong khi đó, Việt Nam đã 92 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam: 92 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, 12 thủy thủ Việt mắc kẹt ở Malaysia vì COVID-19

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 92 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 17/7, Việt Nam hiện ghi nhận 381 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 241 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 10.133.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 17/7: Thế giới sắp chạm mốc 13 triệu ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 356/381 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 93,4% tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Liên quan đến tình hình sức khoẻ của 219 công nhân của ba công ty xây dựng Việt Nam tại Guinea Xích Đạo, theo thông tin từ Bộ Y tế chiều 16/7, đã có 120 công nhân và quản lí người Việt ở châu Phi mắc COVID-19.

Về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, có 47 người (38,5%) có tức ngực, 33 người (28%) có ho, đau họng, 16 người đau đầu, 13 người sốt.

Trong số 120 bệnh nhân có 46 người có bệnh mãn tính kèm theo (là nhóm dễ có biến chứng hơn) như loét dạ dày, cao huyết áp, tim mạch, viêm phế quản. Ngoài 120 bệnh nhân COVID-19, còn 7 người phải nhập viện để theo dõi bệnh khác, ba người bị sốt rét, một người trong đó vừa sốt rét vừa COVID-19.

Do thủ tục đăng kí chuyến bay phức tạp nên ngày 3/8 tới máy bay mới khởi hành đi đón các công dân.

Được biết, các bên đã đưa ra nhiều phương án khác nhau để tính toán, tiên lượng các tình huống có thể xảy ra trên chuyến bay để có giải pháp chuẩn bị. Theo đó, chuyến bay sẽ được bố trí các bác sĩ đi cùng; dự kiến mang theo nhiều trang thiết bị y tế cần thiết, như máy trợ thở, bình ôxy.

Vụ việc 12 thủy thủ Việt mắc kẹt ở Malaysia

Bộ Ngoại giao đề nghị Cục Hàng hải chỉ đạo chủ tàu trả lương cho 12 thủy thủ mắc kẹt ở Malaysia từ tháng 3 và phối hợp với nước sở tại đưa họ hồi hương.

Truyền thông Malaysia gần đây đưa tin 12 thủy thủ Việt Nam mắc kẹt trên vùng biển nước này từ giữa tháng 3, do Malaysia áp lệnh hạn chế ngăn COVID-19. Nguồn thực phẩm ngày càng cạn kiệt, các thủy thủ phải viết thông điệp "Xin hãy giúp chúng tôi. Không thực phẩm. Không lương" lên thân tàu.

Ấn Độ tái phong tỏa, rạp chiếu phim Trung Quốc sắp hoạt động trở lại

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 17/7, toàn thế giới có tổng cộng 13.917.670 ca mắc COVID-19, trong đó có 591.567 người tử vong và 8.264.385 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo AP, WHO cho rằng nhiều lãnh đạo chính phủ các nước đang đi sai hướng trong đại dịch COVID-19.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng trong đại dịch COVID-19 và một số nước không thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn dịch lây lan.

Tổng giám đốc WHO cũng chỉ trích một số lãnh đạo chính phủ làm mất lòng tin của công chúng khi đưa ra các "thông điệp lộn xộn" về COVID-19.

Các Triệu phú vì nhân đạo xin tăng thuế để chống COVID-19

Theo Aljazeera, hơn 80 triệu phú, tỉ phú Mỹ và 6 nước khác đã gửi thư ngỏ đề nghị tăng thuế với người giàu để giúp đỡ hàng tỉ người trong các chương trình chống COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa ba triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 3.680.868 (chiếm 26,47% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 64.041 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 814 ca, nâng tổng số lên 140.958.

Số ca tử vong và số ca nhiễm mới của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều bệnh viện tại Mỹ điêu đứng trước sóng bùng phát nCoV mới: Phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, y tá đổ bệnh hàng loạt, thiếu hụt thiết bị xét nghiệm, thuốc chống virus và nhân lực...

Theo NY Post, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng COVID-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.

Các trường học tại nhiều địa phương đã quyết định tổ chức học trực tuyến, bất chấp áp lực từ Tổng thống Donald Trump.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới nCoV tăng mạnh, với 13.965 ca ở Florida, 7.709 ca ở Texas và 4.587 ca ở California.

Số ca nhiễm nCoV đang tăng mạnh ở khoảng 40 bang của Mỹ, buộc chính quyền nhiều bang rút lại kế hoạch nới lỏng hạn chế và tái áp đặt những biện pháp phòng dịch. Trong đó, theo LA Times, bang California đã tái đóng cửa phần lớn các cơ sở kinh doanh từ hôm 13/7 sau một tháng mở lại.

Nhiều doanh nghiệp từ đóng cửa tạm thời sang đóng cửa vĩnh viễn sau lệnh phong toả thứ hai.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 41.242 ca nhiễm mới và 1.165 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.012.151 và 76.688. Số ca nhiễm mới, và số ca tử vong mỗi ngày đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 1.005.637 ca nhiễm và 25.609 ca tử vong, tăng lần lượt 35.468 và 680. Các thành phố lớn của Ấn Độ là những nơi bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo AFP, trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV trên cả nước dự kiến chạm mốc một triệu trong 1-2 ngày tới, chính quyền địa phương khắp Ấn Độ đang tái áp đặt các hạn chế mới được dỡ bỏ gần đây. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 17/7: Thế giới sắp chạm mốc 13 triệu ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV ở khu dân cư tại thành phố Ahmedabad, Ấn Độ hôm 8/7. (Ảnh: Reuters)

Trong đó có bang Patna nghèo nhất Ấn Độ bắt đầu tái phong tỏa. Bang Bihar, một bang nông thôn, với hạ tầng y tế yếu kém, đã bước vào 15 ngày phong tỏa từ nửa đêm 15/6, một ngày sau khi trung tâm công nghệ Bangalore, nơi có 13 triệu người sinh sống, đã phong tỏa được một tuần. 

Một bang khác của Ấn Độ, Goa đã tuyên bố đóng cửa 3 ngày từ tối qua và áp lệnh giới nghiệm vào ban đêm cho đến 10/8 vì người dân không tuân thủ các qui định phòng dịch.

Hiệp hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) cảnh báo toàn khu vực Nam Á đang trở thành tâm dịch COVID-19 tiếp theo.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 6.428 ca mắc và 156 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 752.797 trường hợp, trong đó 11.937 trường hợp tử vong.

Ba tuần liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Peru xếp sau Brazil tại khu vực Mỹ Latinh với tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đã vượt 300.000 người, cụ thể là 341.586 ca, cao thứ 5 trên thế giới, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 12.615.

Đây là một trong những nước Mỹ Latinh đầu tiên phong tỏa từ giữa tháng 3 nhưng đã cho phép nối lại hoạt động sản xuất vào tháng 5. Nước này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế, bất chấp những rủi ro của đại dịch.

Rạp chiếu phim Trung Quốc sắp mở trở lại

Trung Quốc trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm mới (là người nhập cảnh ở Thượng Hải) và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.612 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.719 bệnh nhân được chữa khỏi. Như vậy, theo thống kê, số ca nhiễm mới của nước này đang có xu hướng giảm mạnh.

Giới chức Bắc Kinh, nơi bùng phát ổ dịch mới, thông báo thủ đô đã kiềm chế được ổ dịch mới và dỡ hầu hết hạn chế đi lại từ 4/7.

Theo AFP, Trung Quốc cho phép hầu hết rạp chiếu phim mở cửa trở lại vào tuần tới, sau khi 10 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng mới.

Cục Quản lí Điện ảnh Trung Quốc hôm qua (16/7) cho biết những rạp chiếu phim tại các khu vực "nguy cơ thấp" có thể hoạt động lại từ ngày 20/7, song phải kiểm tra thân nhiệt của khách cũng như thực thi qui định đeo khẩu trang. 

Các rạp chiếu phim cũng được yêu cầu chỉ bán vé không quá 30% số ghế ngồi trong mỗi suất chiếu và khách hàng cách nhau ít nhất một mét trong rạp.

Siêu thị Hong Kong giới hạn số lượng nhu yếu phẩm khách được mua

Trước tình hình thành phố đang đối diện với làn sóng COVID-19 lần ba nghiêm trọng nhất, khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng.

Theo SCMP,  hai chuỗi siêu thị lớn của Hong Kong gồm Wellcome và ParknShop cho biết họ sẽ qui định mỗi khách hàng chỉ được phép mua hai sản phẩm mỗi lần trong danh sách các mặt hàng thiết yếu, khi nhu cầu tăng cao giữa COVID-19.

Tổng thống Brazil chưa hết nhiễm nCoV

Theo AFP, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn dương tính COVID-19 sau khi xét nghiệm lần hai, dù ông đã dùng thuốc trị sốt rét sau một tuần nhiễm nCoV.  

"Tôi khỏe, tạ ơn Chúa. Sáng qua tôi làm xét nghiệm và vào buổi tối kết quả là tôi vẫn dương tính với virus", Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết trong buổi phát trực tiếp trên Facebook hôm 15/7 từ Dinh Tổng thống Alvorada tại thủ đô Brasilia.

Ông Bolsonaro hôm 7/7 xác nhận nhiễm nCoV, chỉ ba ngày sau khi dùng bữa trưa tại nhà đại sứ Mỹ ở Brazil Todd Chapman tại Brasilia. 

Thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine được quảng bá như cách điều trị COVID-19 ở nhiều quốc gia, nhưng hiệu quả của nó chưa được chứng minh và vấn đề này đang chia rẽ sâu sắc cộng đồng khoa học toàn cầu.

Băng đảng ở Colombia "xử" người không tuân thủ lệnh phong tỏa 

Theo Guardian, các băng đảng và nhóm phiến quân Colombia đang tự áp đặt biện pháp phong tỏa ngăn COVID-19 và giết những ai không tuân theo.

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), ít nhất 8 dân thường đã bị các nhóm vũ trang sát hại do không thực hiện đúng lệnh phong tỏa chúng đặt ra để ngăn nCoV lây lan và ngăn những hoạt động ảnh hưởng tới khả năng kiếm tiền và thức ăn của họ. Các nhóm này đã sử dụng ứng dụng Whatsapp và tờ rơi để cảnh báo người dân về lệnh phong tỏa ở những khu vực vùng sâu vùng xa nơi họ hoạt động.

Colombia đang là một trong những quốc gia ở Nam Mỹ, bị COVID-19 ảnh hưởng tồi tệ nhất. Từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên hôm 6/3, nước này hiện báo cáo gần 160.000 ca nhiễm và hơn 5.600 ca tử vong. Các ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này thường xuyên vượt 5.000 ca.

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.