|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/7: Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng

07:29 | 18/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới vượt mốc 14 triệu ca nhiễm COVID-19. Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, Việt Nam đã 93 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam: 93 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, hơn 13.000 người cách li chống dịch

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 93 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 18/7, Việt Nam hiện ghi nhận 382 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 242 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 13.765. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/7: Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 357/382 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 93,7% tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 9 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Thế giới vượt mốc 14 triệu ca nhiễm COVID-19

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 18/7, toàn thế giới có tổng cộng 14.174.379 ca mắc COVID-19, trong đó có 598.419 người tử vong và 8.417.925 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

WHO cho rằng nhiều lãnh đạo chính phủ các nước đang đi sai hướng trong đại dịch COVID-19, và một số nước không thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn dịch lây lan.

Mỹ: California bất lực trong việc truy vết COVID-19, Florida quyết mở cửa lại trường học, ngoại trưởng Mỹ tố WHO 'đồng lõa' với Trung Quốc giấu dịch 

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa ba triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 3.762.957 (chiếm 26,57% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 67.932 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 805 ca, nâng tổng số lên 141.923.

Số ca tử vong và số ca nhiễm mới của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều bệnh viện tại Mỹ điêu đứng trước sóng bùng phát nCoV mới: Phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, y tá đổ bệnh hàng loạt, thiếu hụt thiết bị xét nghiệm, thuốc chống virus và nhân lực...

Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng COVID-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới nCoV tăng mạnh, với 11.466 ca ở Florida, 8.178 ca ở Texas và 5.243 ca ở California.

Số ca nhiễm nCoV đang tăng mạnh ở khoảng 40 bang của Mỹ, buộc chính quyền nhiều bang rút lại kế hoạch nới lỏng hạn chế và tái áp đặt những biện pháp phòng dịch. Trong đó, theo LA Times, bang California đã tái đóng cửa phần lớn các cơ sở kinh doanh từ hôm 13/7 sau một tháng mở lại.

Nhiều doanh nghiệp từ đóng cửa tạm thời sang đóng cửa vĩnh viễn sau lệnh phong toả thứ hai.

Theo Mercury News, California từng được coi là một hình mẫu thành công trong việc chống COVID-19 của Mỹ vào cuối tháng 5 khi đã tránh được một làn sóng bùng phát COVID-19 được dự báo là rất tồi tệ. Nhưng đội quân truy vết tiếp xúc giờ đây đã không thể theo kịp tốc độ lây lan của virus.

Tình trạng số ca nhiễm tăng vọt khắp vùng thành thị đã cản trở quá trình truy vết tại bang, dẫn tới việc xét nghiệm và nhận kết quả chậm trễ. Việc này gây trì hoãn nghiêm trọng đối với quá trình liên lạc các ca nhiễm mới, cùng những người tiếp xúc gần.

California giờ trở thành điểm nóng dịch bệnh mới của nước Mỹ.

Theo AFP, Thống đốc Florida Ron DeSantis kiên quyết mở cửa hoàn toàn các trường học vào tháng 8 tới. Ông đưa ra lập luận tái mở cửa các trường học, đã chỉ ra nguy cơ mắc COVID-19 rất thấp ở trẻ em. Chỉ 5% số ca nhiễm nCoV được xác nhận là trẻ em và 90% trong số không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Tuy nhiên, một số trường học tại bang này và các bang khác vẫn quyết định tổ chức học trực tuyến, hoặc chưa ra thông báo quyết định, hoặc chỉ tổ chức học sinh đến lớp 1-3 ngày/tuần, bất chấp áp lực từ ông DeSantis và Tổng thống Donald Trump.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/7: Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng - Ảnh 2.

Giáo viên Malikah Armbrister biểu tình cùng các đồng nghiệp trước văn phòng học khu hạt Hillsborough, thành phố Tampa, Florida, hôm 16/7, với biểu ngữ "Đừng giết con tôi và đừng giết tôi!". (Ảnh: AFP)

Florida là một trong những điểm nóng dịch bệnh của Mỹ không đi theo đường lối của California và Texas, như áp đặt lệnh tái phong tỏa hay bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian trong nhà.

Theo Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng Trung Quốc ban đầu che giấu thông tin nCoV lây từ người sang người và WHO tiếp tay cho Bắc Kinh giấu dịch. "WHO cũng tham gia phối hợp trong nỗ lực từ chối cung cấp cho thế giới hiểu biết cần thiết để đối phó mối đe dọa virus khởi phát từ Vũ Hán", Ngoại trưởng Mỹ nói.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây liên tục đe dọa có thể thực hiện các bước để trừng phạt Trung Quốc vì thiếu minh bạch trong giai đoạn đầu COVID-19 bùng phát.

Tổng số ca nhiễm thực tế tại Brazil có thể cao gấp 4 hoặc 5 lần, thậm chí 10 lần

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 31.590 ca nhiễm mới và 1.029 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.046.328 và 77.851. Số ca nhiễm mới, và số ca tử vong mỗi ngày đều có xu hướng tăng. 

Theo AFP, tổng số ca nhiễm tại nước này đã vượt 2 triêu, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

"Hai triệu là con số tượng trưng bởi chúng tôi không xét nghiệm trên diện rộng. Có lẽ con số thực thế cao gấp 4 hoặc 5 lần. Những dự đoán bi quan nhất thậm chí báo hiệu nhiều hơn gấp 10 lần", Jean Gorinchteyn, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Albert Einstein ở Sao Paulo cho hay.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 1.040.457 ca nhiễm và 26.285 ca tử vong, tăng lần lượt 34.820 và 676. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết dịch đang lây lan sang những thành phố nhỏ hơn và vùng nông thôn, sau khi các biện pháp hạn chế bị dỡ bỏ.

Chính quyền địa phương khắp Ấn Độ đang tái áp đặt các hạn chế mới được dỡ bỏ gần đây. Một số bang đã bắt đầu tái phong toả từ hôm 15/7. 

Hiệp hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) hôm 16/7 đã cảnh báo toàn khu vực Nam Á đang trở thành tâm dịch COVID-19 tiếp theo.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 6.406 ca mắc và 186 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 759.203 trường hợp, trong đó 12.123 trường hợp tử vong.

Đây là ngày thứ 22 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Peru xếp sau Brazil tại khu vực Mỹ Latinh với tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đã vượt 300.000 người, cụ thể là 345.537 ca, cao thứ 5 trên thế giới, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 12.799.

Đây là một trong những nước Mỹ Latinh đầu tiên phong tỏa từ giữa tháng 3 nhưng đã cho phép nối lại hoạt động sản xuất vào tháng 5. Nước này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế, bất chấp những rủi ro của đại dịch.

Thủ phủ Tân Cương,Trung Quốc bị phong tỏa 

Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.622 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.737 bệnh nhân được chữa khỏi. 

Theo SCMP, Urumqi, thủ phủ 3,5 triệu dân vùng Tân Cương của Trung Quốc, bất ngờ bị phong tỏa do các ca nhiễm mới trong cộng đồng sau 149 ngày "sạch bóng" COVID-19.

Tại các siêu thị, người dân chen lấn mua hàng sau khi một số khu dân cư thông báo hạn chế di chuyển. Những người từng ở Urumqi cũng bị từ chối vào các khu vực khác của Tân Cương.

Theo AP, Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (SinoPharm) đã tiêm vaccine COVID-19 thử nghiệm trên chính các nhân viên của mình, gồm cả quản lí cấp cao, để "thử nghiệm trước" loại vaccine do công ty nghiên cứu, trước khi chính phủ phê duyệt thử nghiệm vaccine trên người.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/7: Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng - Ảnh 3.

Bài đăng trực tuyến của SinoPharm với tựa đề "Giúp đỡ một tay để giành được thanh gươm chiến thắng". (Ảnh: AP).

Dù đây là một hành động hi sinh cao cả hay vi phạm các chuẩn mực y đức, tuyên bố của SinoPharm cho thấy Trung Quốc đang ra sức chạy đua với các công ty Mỹ và Anh để trở thành đơn vị đầu tiên điều chế thành công vaccine ứng phó với đại dịch.

Như Ý

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.