|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/7: Nam Phi vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới

07:45 | 19/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới vượt mốc 14 triệu ca nhiễm COVID-19. Nam Phi vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đã 94 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam: 94 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, gần 13.000 người cách li chống dịch

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 94 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 19/7, Việt Nam hiện ghi nhận 382 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 242 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 12.798.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/7: Urumqi, Trung Quốc kích hoạt chế độ 'thời chiến'  - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 357/382 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 93,7% tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 10 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu vượt 14 triệu, Nam Phi vượt Peru trở thành nước có số ca nhiễm cao thứ năm thế giới

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 19/7, toàn thế giới có tổng cộng 14.401.610 ca mắc COVID-19, trong đó có 604.056 người tử vong và 8.585.080 bệnh nhân phục hồi.

WHO ghi nhận 18/7 là ngày ca nhiễm toàn cầu tăng kỉ lục 259.848 ca. Kỉ lục trước đó là ngày 17/7 với 237.743 trường hợp. Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi là những nước ghi nhận ca nhiễm tăng mạnh nhất.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

WHO cho rằng nhiều lãnh đạo chính phủ các nước đang đi sai hướng trong đại dịch COVID-19, và một số nước không thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn dịch lây lan.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa ba triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 3.830.073 (chiếm 26,61% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 60.061 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 770 ca, nâng tổng số lên 142.834.

Số ca tử vong và số ca nhiễm mới của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều bệnh viện tại Mỹ điêu đứng trước sóng bùng phát nCoV mới: Phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, y tá đổ bệnh hàng loạt, thiếu hụt thiết bị xét nghiệm, thuốc chống virus và nhân lực...

Theo CNA, tại Texas và Arizona, nơi đang đối phó với sự gia tăng mạnh mẽ ca nhiễm và tử vong do nCoV, giới chức phải biến các xe tải đông lạnh thành nhà xác do các bệnh viện đang phải chứa quá nhiều thi thể.

Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng COVID-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới nCoV tăng mạnh, với 10.328 ca ở Florida, 6.340 ca ở Texas và 8.783 ca ở California.

Số ca nhiễm nCoV đang tăng mạnh, buộc chính quyền nhiều bang rút lại kế hoạch nới lỏng hạn chế và tái áp đặt những biện pháp phòng dịch. Trong đó, bang California đã tái đóng cửa phần lớn các cơ sở kinh doanh từ hôm 13/7 sau một tháng mở lại, và hiện đang bất lực trong việc truy vết COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp từ đóng cửa tạm thời sang đóng cửa vĩnh viễn sau lệnh phong toả thứ hai.

Florida là một trong những điểm nóng dịch bệnh của Mỹ không đi theo đường lối của California và Texas, như áp đặt lệnh tái phong tỏa hay bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian trong nhà.

Theo The Hill, Tổng thống Donald Trump vẫn đang thúc ép các trường học trên khắp nước Mỹ mở cửa và tiến hành giảng dạy trực tiếp trong mùa thu này. Trump cũng tuyên bố sẽ không ban hành chỉ thị yêu cầu người dân cả nước đeo khẩu trang, do không cho rằng khẩu trang có hiệu quả trong việc ngăn virus lây lan.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 26.427 ca nhiễm mới và 803 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.075.124 và 78.735. Số ca nhiễm mới, và số ca tử vong mỗi ngày đều có xu hướng tăng. 

Tổng số ca nhiễm tại nước này đã vượt 2 triệu, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Theo AFP, Giám đốc Phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan nói trong cuộc họp trực tuyến hôm 16/7: "Sự gia tăng các ca nhiễm ở Brazil không còn theo cấp số nhân, nó đã hạ thấp" và khẳng định tỉ lệ lây nhiễm ở Brazil đang "ổn định".

Ông chỉ ra rằng tỉ lệ lây nhiễm nCoV ở Brazil hồi tháng 4 và tháng 5 tương đối cao, lần lượt ở mức hơn 1,5 và hai, đồng nghĩa với việc cứ một người nhiễm virus sẽ lây cho khoảng hai người khác.

Tuy nhiên, con số này gần đây đã giảm xuống mức từ 0,5 đến 1,5, Ryan khẳng định, thêm rằng "virus không còn lây lan nhanh trong cộng đồng như trước". Dù nhấn mạnh đây là tin tốt, Ryan vẫn cảnh báo "không có gì đảm bảo rằng tỉ lệ lây nhiễm nCoV sẽ tự giảm xuống".

Quan chức của WHO kêu gọi Brazil tận dụng thời cơ và thực hiện những biện pháp phối hợp, bền vững để "kiểm soát" dịch bệnh.

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhiều lần đánh giá thấp mối đe dọa của dịch bệnh, chỉ coi đây là "cúm vặt" và phớt lờ các qui tắc cách li cộng đồng, bao gồm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ông cho rằng những biện pháp hạn chế ngăn COVID-19 gây nên hậu quả còn tồi tệ hơn đại dịch.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 1.077.864 ca nhiễm và 26.828 ca tử vong, tăng lần lượt 37.407 và 543. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết dịch đang lây lan sang những thành phố nhỏ hơn và vùng nông thôn, sau khi các biện pháp hạn chế bị dỡ bỏ.

Chính quyền địa phương khắp Ấn Độ đang tái áp đặt các hạn chế mới được dỡ bỏ gần đây. Một số bang đã bắt đầu tái phong toả từ hôm 15/7.

Hiệp hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) hôm 16/7 đã cảnh báo toàn khu vực Nam Á đang trở thành tâm dịch COVID-19 tiếp theo.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 6.234 ca mắc và 124 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 765.437 trường hợp, trong đó 12.247 trường hợp tử vong.

Đây là ngày thứ 23 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Nam Phi đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới với tổng số bệnh nhân mắc nCoV đã vượt 300.000 người, cụ thể là 350.879 ca, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 4.948.

Thủ phủ Tân Cương, Trung Quốc kích hoạt chế độ 'thời chiến' 

Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới trong đó 16 ca lây nhiễm trong cộng đồng và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.644 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.758 bệnh nhân được chữa khỏi.

Theo Reuters, Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương của Trung Quốc, chuyển sang chế độ "thời chiến" và đưa ra các kế hoạch ứng phó khẩn cấp ngăn COVID-19.

Thành phố đã đình chỉ các cuộc tụ tập và yêu cầu cộng đồng không tới thăm nhà người khác. Chính quyền Urumqi cũng kêu gọi người dân không di chuyển ra ngoài thành phố nếu không cần thiết và yêu cầu xét nghiệm nCoV với bất cứ ai rời đi nhằm ngăn virus lây lan. 

Rui Baoling, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Urumqi, cho biết các ca nhiễm mới và các ca nhiễm không triệu chứng tại thành phố được ghi nhận ở cụm dịch quận Thiên Sơn.

Urumqi hôm 17/7 đã bị phong tỏa do các ca nhiễm mới trong cộng đồng sau 149 ngày "sạch bóng" COVID-19.

Tính đến ngày 17/7, ủy ban y tế khu vực cho biết, Tân Cương ghi nhận tổng cộng 17 ca nhiễm nCoV và 11 ca nhiễm không triệu chứng, trong khi 269 người đang được theo dõi y tế.

Hong Kong: Nhân viên nhà hàng bị đánh vì nhắc khách đeo khẩu trang 

Theo Sun, trong bối cảnh Hong Kong tuần qua ban bố các biện pháp giới hạn nghiêm ngặt nhằm đối phó với tình trạng số ca nhiễm nCoV tăng nhanh trở lại ở đặc khu từ đầu tháng 7.

Một nhân viên nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's hôm 14/7 đã bị tấn công vì nhắc nhở khách đeo khẩu trang để phòng COVID-19. Người khách này bước vào nhà hàng mà không đeo khẩu trang. Sau khi bị nhân viên nhắc nhở, anh ta đã có phản ứng giận dữ, lao vào và đấm đá nam nhân viên, truyền thông địa phương đưa tin.

Triều Tiên nghiên cứu vaccine COVID-19 

Theo Yonhap, Hội đồng nghiên cứu khoa học Triều Tiên hôm qua 18/7 thông báo nước này đang tự phát triển một loại vaccine chống nCoV riêng do một viện nghiên cứu về y sinh thuộc Viện Y học Triều Tiên dẫn dắt.

Triều Tiên xác nhận khả năng miễn dịch và độ an toàn của vaccine nói trên thông qua thử nghiệm ở động vật và các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã bắt đầu trong tháng 7. Các nhà khoa học Triều Tiên đang thảo luận về việc tiến hành nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba.

Bên cạnh Viện Y học, Triều Tiên cho hay bộ phận công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học Quốc gia Triều Tiên cũng đang nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/7: Urumqi, Trung Quốc kích hoạt chế độ 'thời chiến'  - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tẩy trùng một toa tàu tại nhà ga Songsam ở thủ đô Bình Nhưỡng hồi cuối tháng hai. (Ảnh: AP)

Sau khi COVID-19 khởi phát ở Trung Quốc cuối năm ngoái, Triều Tiên đã lập tức đóng cửa biên giới để ngăn nCoV lây lan và đến nay thông báo chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Tuy nhiên, một số người tỏ ra nghi ngờ việc dịch bệnh chưa xuất hiện ở Triều Tiên.

Hàn Quốc: Giáo chủ Tân Thiên Địa bị thẩm vấn 

Theo Yonhap, giáo chủ Lee Man-hee bị thẩm vấn tại văn phòng công tố viên thành phố Suwon, phía nam thủ đô Seoul, hôm 17/7 về tội vi phạm luật phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc.

Giáo chủ 89 tuổi bị nghi ngờ cung cấp sai thông tin cho các cơ quan y tế về số người tham dự và địa điểm diễn ra các buổi lễ của giáo phái Tân Thiên Địa. Ông cũng bị tình nghi phá hủy những bằng chứng để đề phòng nguy cơ bị điều tra.

Tòa án Hàn Quốc hồi đầu tháng phát lệnh bắt ba thành viên chủ chốt của giáo phái Tân Thiên Địa. Chính quyền thành phố Daegu tháng trước cũng đệ đơn kiện giáo phái này và yêu cầu bồi thường hơn 82 triệu USD.

Một trong những nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa tại thành phố Daegu đã trở điểm nóng COVID-19 tại Hàn Quốc trong đợt bùng phát đầu tiên ở nước này, với hơn 4.000 tín đồ nhiễm nCoV. Tính đến cuối tháng 6, tín đồ của giáo phái này chiếm hơn 40% tổng số ca nhiễm nCoV trên cả nước.

Như Ý