Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/7: Số ca COVID-19 tại Brazil, Ấn Độ lại lập đỉnh
Việt Nam đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/7
Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, tính đến 18h ngày 22/7, Việt Nam hiện ghi nhận 408 ca mắc COVID-19.
Việt Nam có tổng cộng 268 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 12.484.
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều là chuyên gia dầu khí người Nga, được cách li ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/408 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 89,5 % tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.
Tính đến chiều ngày 22/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 1 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 42 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
Về việc nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19, hiện nay có 4 nhà sản xuất trong nước bao gồm VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN đều đang trong quá trình nghiên cứu phát triển vắc xin. Bên cạnh đó, nước ta là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lí vắc xin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Do đó nếu thành công vắc xin COVID-19 trong nước có thể xuất khẩu góp phần phòng đại dịch cho các nước trên thế giới.
Tính đến ngày 15/7, trên toàn cầu có 163 ứng viên vắc xin COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển: 23 vắc xin đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng.
Brazil, Ấn Độ, Australia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới cao kỉ lục
Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 23/7, toàn thế giới có tổng cộng 15.347.130 ca mắc COVID-19, trong đó có 625.104 người tử vong và 9.331.573 bệnh nhân phục hồi.
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã cán mốc bốn triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.094.895 (chiếm 26,70% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 66.326 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.103 ca, nâng tổng số lên 146.056 (gần 1/4 trường hợp tử vong toàn cầu).
Theo thống kê cho thấy, số ca nhiễm mới và số ca tử vong hằng ngày tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 9.785 ca ở Florida, 7.607 ca ở Texas và 11.075 ca ở California.
Theo Washington Post, hơn 4 tháng chìm trong đại dịch, người dân Mỹ vẫn đang chìm trong biển thông tin mập mờ, nhiễu loạn về COVID-19. Do sự thiếu vắng những khuyến cáo nhất quán từ các cấp chính quyền và bản thân Tổng thống Donald Trump cùng các cố vấn của ông cũng bày tỏ hoài nghi về các số liệu khoa học liên quan đến dịch bệnh, nhiều người dân không biết nên dựa vào đâu để tìm những hướng dẫn, biện pháp đáng tin cậy về cách chung sống với COVID-19.
Theo AFP, hôm 21/7, Hiệp hội y tá Mỹ đã xếp 164 đôi giày trắng (mỗi đôi giày đại diện cho một y tá hi sinh trong cuộc chiến chống COVID-19) bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ để tưởng nhớ các đồng nghiệp của họ.
"Hôm nay, chúng tôi có tới 164 đôi giày. Số y tá tử vong liên tục tăng đã cho thấy sự thất bại của chính quyền và quốc hội", bà Simms, thành viên của Tổ chức Y tá Quốc gia (NNU), đơn vị tổ chức buổi lễ tưởng niệm, nói.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm số ca nhiễm mới cao kỉ lục 60.982 ca và 1.174 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.227.514 và 82.771.
Nhiều chuyên gia cho rằng số ca nhiễm COVID-19 thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.
Thổ dân Amazon rất dễ bị tổn thương với những căn bệnh lạ từ ngoài xâm nhập. Tại Brazil, cộng đồng thổ dân ghi nhận hơn 17.000 người nhiễm COVID-19 và 544 người tử vong. Một tù trưởng khác là Paulinho Paiakan cũng đã bị virus này cướp đi mạng sống vào tháng trước.
Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 1.239.684 ca nhiễm và 29.890 ca tử vong, tăng lần lượt 45.599 và 1.120. Nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục kể từ khi dịch bùng phát.
Theo India Today, kết quả xét nghiệm huyết thanh tại New Delhi chỉ ra rằng khoảng 1/4 dân số thủ đô nhiễm nCoV và được các chuyên gia đánh giá là "tin tốt".
Xét nghiệm được Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh quốc gia Ấn Độ phối hợp với chính quyền Delhi tiến hành từ ngày 27/6 đến ngày 10/7, với 21.387 mẫu xét nghiệm. Kết quả của cuộc xét nghiệm cho thấy ước tính có tới hơn 4 triệu ca nhiễm COVID-19 tại Delhi, con số cao hơn rất nhiều so với 123.000 ca được báo cáo.
Tuy nhiên, đây không phải là thông tin tồi tệ. Theo các chuyên gia y tế, sự chênh lệch đáng kể giữa số người xét nghiệm dương tính với COVID-19 ở Delhi và những người được phát hiện có kháng thể cho thấy một số lượng lớn người dân bị nhiễm virus và đạt được miễn dịch mà không cần chăm sóc y tế. Chuyên gia nhận định điều này cho thấy Ấn Độ đang tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Kết quả xét nghiệm huyết thanh của Delhi, được Bộ Y tế Ấn Độ công bố hôm 21/7, cũng cho thấy khoảng 20% dân số ở 8 trong 11 quận ở thủ đô đã phát triển kháng thể. Kết quả cũng chỉ ra rằng một số lượng lớn người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.862 ca mắc và 165 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 789.190 trường hợp, trong đó 12.745 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang có dấu hiệu giảm nhẹ.
Đây là ngày thứ 27 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Nam Phi đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tăng gần gấp 4 lần chỉ trong 1 tháng qua, mặc dù là một trong những nước áp dụng các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt nhất thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 394.948 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 5.940.
Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.707 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.840 bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung Quốc hầu như đã kiểm soát được tình hình đại dịch trong nước và đang dần nới lỏng lệnh cấm đối với hầu hết du khách nước ngoài được áp dụng từ hồi tháng 3.
Theo TTXVN, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng quyết định mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội mới nghiêm ngặt từ nửa đêm 22/7 với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả những khu vực công cộng trong nhà, gồm các khu thương mại và chợ.
Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 2 tuần. Quan chức phụ trách y tế Hong Kong, bà Sophia Chan nhấn mạnh các ca nhiễm mới gia tăng mới đây chủ yếu do người dân không đeo khẩu trang.
Australia báo cáo 466 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng kỉ lục sau gần 4 tháng được cho là đã qua đỉnh dịch, các ca nhiễm mới chủ yếu được báo cáo ở bang Victoria. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này là 12.894 ca, trong đó có 128 trường hợp tử vong.
Theo AFP, ca nhiễm mới ở Australia trước đó được cho là đạt đỉnh vào ngày 28/3 với mức tăng kỉ lục 459 trường hợp trong 24 giờ. Trước khi ổ dịch mới bùng phát tại Melbourne, Australia từng được khen ngợi về phản ứng với COVID-19.
Giới chức bang đang nỗ lực kiểm soát ổ dịch tại Melbourne, dù thành phố gần 5 triệu dân đã áp đặt lệnh phong tỏa hai tuần qua.
Cuộc điều tra về cách COVID-19 lây lan ở Melbourne tuần này cho thấy nhiều ca nhiễm có khả năng liên quan tới những khách sạn được dùng làm nơi cách li người trở về từ nước ngoài. Giới chức Australia trước đó mở cuộc điều tra cáo buộc nhân viên tại một số khách sạn ở Melbourne quan hệ tình dục với người đang cách li, gây đợt bùng dịch mới.
New South Wales, bang đông dân nhất Australia, cũng đang lo ngại về một cụm dịch mới tại một quán rượu ở khách sạn Crossroads, phía tây nam thành phố Sydney. Quan chức y tế Michael Kidd cho biết điều đáng lo ngại là các tài xế vận chuyển hàng khắp cả nước thường lui tới khách sạn này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/