|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 17/3: Pháp lo ngại biến thể nCoV mới có thể 'né xét nghiệm'

08:14 | 17/03/2021
Chia sẻ
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn tin tưởng vắc xin AstraZeneca, Trung Quốc khẳng định vắc xin nội địa hiệu quả với các biến thể.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 18/3

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (17/3) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 1.597 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.

Tính đến cuối giờ chiều 16/3, tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đã được tiêm phòng.

Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 16/3, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quôc gia cũng ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin AstraZeneca với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, phát ban, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy…

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 17/3: Pháp lo ngại biến thể nCoV mới có thể 'né xét nghiệm'  - Ảnh 1.

Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ y tế tại Trung tâm y tế huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Báo Sức khoẻ và Đời sống).

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.923.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.158/2.560 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 40 ca; số ca âm tính lần hai là 22 ca, lần ba là 82 ca. 

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 121,21 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,68 triệu người tử vong và 97,78 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). 

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

AFP dẫn lời Giám đốc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke hôm qua rằng: "Chúng tôi vẫn tin tưởng một cách chắc chắn rằng những lợi ích của vắc xin AstraZeneca trong việc ngăn ngừa COVID-19, nguy cơ nhập viện và tử vong, cao hơn hẳn so với rủi ro từ các tác dụng phụ.". 

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,18 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 50.266 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.075 ca, nâng tổng số lên 549.194. 

Tổng số người phục hồi là hơn 22,35 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.

Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 84.124 và 2.798 (mức cao nhất từ trước đến nay) ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,6 triệu và 282.400 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,2 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 88%. Các ca bệnh và tử vong hàng ngày đang tăng cao chưa từng thấy tại nước này.

Reuters đưa tin, Brazil đã đặt mua 100 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech và 38 triệu liều của Johnson & Johnson. Hôm 12/3, Bộ Y tế nước này còn đạt được thoả thuận mua 10 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga, dự kiến giao trong quý II.

Hiện khoảng 4,6% dân số Brazil đã nhận được ít nhất một liều vắc xin của AstraZeneca (Anh) hoặc CoronaVac (Trung Quốc).

Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,43 triệu ca nhiễm và 159.079 ca tử vong, tăng lần lượt 28.869 và 187 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,04 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tăng dần trở lại từ tháng 2 tại nước này.

Đây là ngày thứ 6 liên tiếp nước này ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới, trong bối cảnh các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn virus được mở rộng ở những khu vực đại dịch có xu hướng gia tăng như bang Maharashtra

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.393 ca mắc và 443 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,4 triệu trường hợp, trong đó 92.937 trường hợp tử vong, và hơn 4,01 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 17/3: Pháp lo ngại biến thể nCoV mới có thể 'né xét nghiệm'  - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

Nga gia hạn thời gian ngừng các chuyến bay với Anh cho đến ngày 16/4. Cơ quan y tế nước này cho biết hôm biến thể nCoV dễ lây lan hơn được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi đã được phát hiện ở Nga, theo The Moscow Times.

Pháp, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, đang điều tra một biến chủng nCoV mới được phát hiện ở vùng Brittany với 8 ca nhiễm.

Bộ Y tế Pháp hôm 15/3 cho hay phân tích ban đầu không cho thấy biến chủng này dễ lây lan hoặc gây tử vong cao hơn, nhưng khó xét nghiệm hơn so với các chủng trước, sau khi vài ca bệnh ban đầu cho kết quả xét nghiệm PCR âm tính, nhưng lại dương tính khi xét nghiệm máu hoặc lấy mẫu thử sâu trong hệ hô hấp, theo Reuters.

Nước này đã ban lệnh giới nghiêm và hạn chế xã hội ở một số vùng trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đang tăng dần.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 28 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.062 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.244 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Ngày 15/3, một chuyên gia cấp cao về phát triển thuốc và vắc xin cho biết hiện chưa có biến thể mới nào của nCoV được phát hiện có thể làm suy yếu hiệu quả của 4 loại vắc xin "cây nhà lá vườn" đang được phép sử dụng ở Trung Quốc.

Ngày 7/3, Trung Quốc thông báo sẽ tung ra chứng chỉ sức khỏe kỹ thuật số dành cho khách du lịch quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 363 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 96.380 ca, trong đó có 1.678 trường hợp tử vong, và 88.255 người đã hồi phục (90%).

Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 400 trong ngày thứ hai liên tiếp, do số người thực hiện các xét nghiệm giảm vào cuối tuần, theo Yonhap.

Các cơ quan y tế đã công bố các biện pháp tăng cường để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của virus ở khu vực Seoul, nơi có khoảng 80% các ca nhiễm mới đã được báo cáo trong một vài tháng qua. Khu vực Seoul là nơi sinh sống của một nửa trong số 52 triệu dân của đất nước.

Để ngăn chặn sự gia tăng gần đây của các ca bệnh là người lao động nước ngoài, Seoul đã ban hành lệnh yêu cầu người lao động nước ngoài phải xét nghiệm COVID-19. Tỉnh Gyeonggi cũng ra lệnh cho các công ty hoạt động trên địa bàn chỉ được thuê lao động nước ngoài có kết quả xét nghiệm âm tính với virus này từ ngày 22/3 - 22/4.

Như Ý