|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 18/3: Dịch bệnh tại Thái Lan, Campuchia diễn biến xấu

08:25 | 18/03/2021
Chia sẻ
WHO khuyến nghị sử dụng vắc xin Johnson & Johnson đối phó với các biến thể nCoV mới, trong khi đó Trung Quốc phê duyệt vắc xin COVID-19 thứ 5.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 19/3

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (18/3) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, tính đến thời điểm này, cả nước hiện có 2.567 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1.599 ca mắc do lây nhiễm trong nước.

Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) quốc gia cho hay, đến sáng nay, tổng cộng 24.054 người là cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu đã được tiêm vắc xin.

Liên quan đến thông tin về các trường hợp bị đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và 63 địa phương về công tác phòng chống dịch COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi. Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.923.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.198/2.567 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 37 ca; số ca âm tính lần hai là 18 ca, lần ba là 63 ca. 

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 121,79 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,69 triệu người tử vong và 98,19 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%).  Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng trở lại.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định hiệu quả của vắc xin một liều của hãng Johnson & Johnson và khuyến nghị sử dụng vắc xin này tại các quốc gia đang có biến thể nCoV mới. Cụ thể, vắc xin này giúp giảm tới 66,9% các triệu chứng COVID-19, hiệu quả ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng sau 14 ngày lên tới 76,7% và 85,4% sau ngày thứ 28; và phù hợp với mọi lứa tuổi, sắc tộc và giới tính, theo Straits Times.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,29 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 59.233 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.184 ca, nâng tổng số lên 550.552. 

Tổng số người phục hồi là hơn 22,44 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.

Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 90.830 (mức cao nhất từ trước đến nay) và 2.736 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,7 triệu và 285.136 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,28 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 88%. 

Hệ thống y tế của các thành phố lớn đang đứng trước bờ vực sụp đổ, với trung bình 1.800 ca tử vong mỗi ngày, và các ca bệnh mới tăng cao chưa từng thấy tại nước này, theo NBC news.

Hôm qua, Tân Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga hứa sẽ đưa ra các chính sách dựa trên khoa học để chống dịch và cho biết ông có thể "điều chỉnh" cách xử lý đại dịch bị nhiều người chỉ trích của Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro.

Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,47 triệu ca nhiễm và 159.249 ca tử vong, tăng lần lượt 35.482 và 170 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,06 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tăng dần trở lại từ tháng 2 tại nước này.

Đây là ngày đầu tiên nước này ghi nhận hơn 35.000 ca nhiễm mới trong hơn ba tháng qua, trong bối cảnh các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn virus được mở rộng ở những khu vực đại dịch có xu hướng gia tăng như bang Maharashtra

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 8.998 ca mắc và 427 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,41 triệu trường hợp, trong đó 93.364 trường hợp tử vong, và hơn 4,02 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 17/3: Pháp lo ngại biến thể nCoV mới có thể 'né xét nghiệm'  - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

Nga cáo buộc Mỹ gây áp lực buộc Brazil từ chối vắc xin Sputnik V của Nga, theo The Moscow Times.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 29 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.066 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.254 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.

AP đưa tin, Bắc Kinh đã cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 gồm ba liều do Công ty Dược phẩm sinh học An Huy Zhifei Longcom và Học viện Khoa học Trung Quốc phát triển. Đây là vắc xin COVID-19 thứ 5 được phê duyệt ở Trung Quốc và là loại thứ 4 được đưa vào sử dụng khẩn cấp. Ba vắc xin được phê duyệt sử dụng khẩn cấp đã được đưa vào tiêm đại trà.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 18/3: Pháp lo ngại biến thể nCoV mới có thể 'né xét nghiệm' - Ảnh 3.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân tại một cơ sở tiêm chủng ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 1. (Ảnh: AP).

Các loại vắc xin trên do Trung Quốc phát triển đều có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường.

Công ty An Huy Zhifei Longcom cho biết hiện chưa thể công bố dữ liệu về vắc xin, nhưng đang cung cấp thông tin cho cơ quan y tế.

Đất nước 1,4 tỷ dân này được cho là chậm chạp trong chiến dịch tiêm chủng khi mới tiêm được 64,98 triệu mũi, hầu hết cho những đối tượng có nguy cơ cao, tính đến ngày 15/3.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 469 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 96.849 ca, trong đó có 1.686 trường hợp tử vong, và 88.814 người đã hồi phục (90%).

Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 400 trong ngày thứ hai liên tiếp, do số người thực hiện các xét nghiệm giảm vào cuối tuần, theo Yonhap.

Tổng số 16 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng đã được báo cáo cho đến nay. trong đó có 14 trường hợp đã được KDCA cho biết là không có mối liên hệ với việc tiêm chủng. Việc triển khai vắc xin AstraZeneca sẽ tiếp tục vì không có bằng chứng cho thấy mối tương quan giữa vắc xin này và các sự cố về máu đông.

Tại Đông Nam Á, toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên, theo TTXVN.

Cụ thể, Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất, tình hình dịch bệnh tại đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt với số ca mắc mới bắt đầu giảm. 

Trong khi, dịch bệnh tại Philippines vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ hai trong số các nước ASEAN, song số ca tử vong lại giảm mạnh so với các ngày trước. Làn sóng dịch mới tại Malaysia đã kéo dài và vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 11 bệnh nhân mới, không có ca tử vong nào vì COVID-19. Nhìn chung, làn sóng COVID-19 tại nước này đang tiếp tục hạ nhiệt.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 18/3: Dịch bệnh tại Thái Lan, Campuchia diễn biến xấu - Ảnh 3.

Cảnh sát phát khẩu trang cho người dân để phòng dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 12/11/2020. (Ảnh: AFP).

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Campuchia dịch bệnh cũng đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 75 bệnh nhân mới trong ngày 17/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, đồng thời ra thông báo khẩn cấp. "Sự cố cộng đồng" mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu hướng chững lại.


Như Ý