Việt Nam chỉ có 6 người phản ứng nặng sau tiêm vắc xin AstraZeneca, vẫn tiếp tục kế hoạch tiêm chủng
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19 diễn ra sáng 17/3, Bô trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin AstraZeneca.
Đề cập vấn đề phản ứng sau đang rất được người dân quan tâm, Bộ trưởng thông tin đến cuối giờ chiều 16/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm cho 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Trong đó, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khoẻ.
"Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế tiến hành tiêm vắc xin COVID-19 phải vừa tiêm, vừa theo dõi đánh giá một cách cẩn trọng và an toàn. Trên báo cáo, có 16 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm vắc xin, tuy nhiên, Hội đồng Tiêm chủng đã đánh giá lại và xác định chỉ có 5 trường hợp phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3.
Trường hợp độ 3 này là do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã cử các chuyên gia tới chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Đại diện Bộ Y tế cho biết trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca, Bộ đã liên tục đánh giá, theo dõi.
"Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin COVID-19", Bộ trưởng Y tế cho biết.
Từ ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19, với 117.600 liều đầu tiên của hãng dược AstraZeneca.
Vắc xin COVID-19 do hãng AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu.
Hiện Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và hơn 10 nước khác đã tạm ngừng triển khai vắc xin AstraZeneca sau các trường hợp tử vong, đông máu.
Theo dữ liệu thu được từ 10 triệu người đã tiêm vắc xin của hãng, AstraZeneca cho biết họ không tìm thấy bằng chứng vắc xin liên quan đến đông máu.
Sau khi có thêm một số quốc gia tạm dừng tiêm vắc xin AstraZeneca vì lo ngại phản ứng phụ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 16/3 kêu gọi các nước nên tiếp tục sử dụng loại vắc xin này.