Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 19/3: Nhiều nước châu Âu tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (19/3) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, tính đến thời điểm này, cả nước hiện có 2.570 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Theo hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế ban hành ngày 18/3, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin.
Hướng dẫn cũng nêu rõ có 9 đối tượng trì hoãn tiêm chủng bao gồm: Đang mắc bệnh cấp tính; Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị;
Trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19; Tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước; Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; Người trên 65 tuổi; Giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.878.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.198/2.570 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 37 ca; số ca âm tính lần hai là 18 ca, lần ba là 63 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 122,35 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,7 triệu người tử vong và 98,64 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng trở lại.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
DW đưa tin, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm qua đã xác nhận vắc xin COVID-19 của AstraZeneca là một lựa chọn "hiệu quả, an toàn" để bảo vệ người dân khỏi COVID-19, dù "không loại trừ hoàn toàn" mối liên quan giữa vắc xin với chứng rối loạn đông máu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan giám sát y tế Anh trước đó cũng xác định vắc xin an toàn và việc dừng tiêm gây nguy cơ cao hơn nhiều vì một số quốc gia đang đối mặt mức tăng ca nhiễm đáng lo ngại.
Sau thông báo của EMA, một loạt quốc gia châu Âu thông báo sẽ sớm nối lại việc sử dụng vắc xin này, gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Lithuania, Latvia, Slovenia và Bulgaria. Trong khi, Na Uy và Thụy Điển cho biết chưa sẵn sàng tiếp tục sử dụng.
Vắc xin của AstraZeneca là một trong những loại rẻ nhất hiện có và dễ bảo quản cũng như vận chuyển hơn so với một số loại vắc xin COVID-19 khác. Đây được coi là lựa chọn cho các quốc gia nghèo hơn và là một phần quan trọng của chương trình Covax.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,35 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 60.293 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.646 ca, nâng tổng số lên 552.277.
Tổng số người phục hồi là hơn 22,52 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua thông báo sẽ đạt mục tiêu tiêm 100 triệu mũi cho người dân vào ngày hôm nay, sau 58 ngày cầm quyền, vượt xa so với kế hoạch đề ra là sau 100 ngày, theo CNBC.
Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo: "Bây giờ không phải lúc mất cảnh giác khi ca nhiễm ở một số bang tăng lên và các biến thể mới của nCoV vẫn đang lây lan.".
Mỹ cho biết có thể gửi vắc xin AstraZeneca sang các nước láng giềng Mexico và Canada trong bối cảnh sản xuất vắc xin đang bùng nổ tại đây.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 87.169 và 2.659 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,78 triệu và 287.795 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,33 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 88%.
Hệ thống y tế của các thành phố lớn đang đứng trước bờ vực sụp đổ, với trung bình 1.800 ca tử vong mỗi ngày, và các ca bệnh mới tăng cao chưa từng thấy tại nước này, theo NBC news.
Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,51 triệu ca nhiễm và 159.405 ca tử vong, tăng lần lượt 39.643 (cao nhất trong hơn ba tháng qua) và 155 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,08 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tăng dần trở lại từ tháng 2 tại nước này.
Các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn virus đang được mở rộng ở những khu vực có ca bệnh gia tăng đột biến như bang Maharashtra.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.803 ca mắc và 460 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,42 triệu trường hợp, trong đó 93.824 trường hợp tử vong, và hơn 4,03 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 30 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.072 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.267 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Dù có tới 5 loại vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt, đất nước 1,4 tỷ dân này được cho là chậm chạp trong chiến dịch tiêm chủng khi mới tiêm được 64,98 triệu mũi, hầu hết cho những đối tượng có nguy cơ cao, tính đến ngày 15/3.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 445 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 97.294 ca, trong đó có 1.688 trường hợp tử vong, và 89.178 người đã hồi phục (90%).
Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc ở mức 400 trong ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh các ca bệnh theo cụm và ca không xác định được nguồn lây tiếp tục gia tăng, làm dấy lên lo ngại nước này có thể sắp phải đối mặt với một đợt dịch mới, theo Yonhap.
Tổng số 641.331 người đã được tiêm vắc xin COVID-19. Theo chương trình tiêm chủng của nước này bắt đầu từ ngày 26/2, tổng cộng 12 triệu người sẽ được chủng ngừa tới cuối tháng 6. Người nước ngoài cũng sẽ được tiêm chủng theo chương trình.
Một người đàn ông ở độ tuổi 20 được phát hiện có cục máu đông sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca, người đàn ông này được tiêm vắc xin hôm 10/3 đã có những phản ứng bất lợi như nhức đầu và ớn lạnh kéo dài cho đến 15/3. Đây là trường hợp thứ hai của nước này xuất hiện các cục máu đông sau khi chủng ngừa.
Nước này trước đó cho biết một trường hợp ở độ tuổi 60 nghi ngờ tử vong do cục máu đông sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca đã được báo cáo, nhưng nguyên nhân tử vong có khả năng cao là do các bệnh nền khác.
Giới chức y tế cho biết việc triển khai vắc xin AstraZeneca sẽ tiếp tục bất chấp các báo cáo về tác dụng phụ của nó ở châu Âu, vì không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy vắc xin gây nên cục máu đông.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/