Dịch COVID-19: Doanh nghiệp cần thêm nhiều sự hỗ trợ để giữ nhịp tăng trưởng
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng và cũng là chủ thể đầu tiên phải ứng phó với các vấn đề của toàn cầu; trong đó có đại dịch COVID-19.
Mặc dù, Việt Nam vẫn là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới và cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đạt được tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 nhưng rõ ràng, doanh nghiệp vẫn tiếp tục cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để duy trì thành quả và giữ nhịp tăng trưởng cho nền kinh tế.
Nhìn lại năm 2020 vừa qua, tại Việt Nam có tới gần 90% doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh; bị giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền và bị gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.
Trước những tác động của dịch COVID-19, tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế đạt mức thấp nhất kể từ năm 2011 tới nay và số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã vượt ngưỡng 100 nghìn doanh nghiệp – mức kỷ lục trong rất nhiều năm qua.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, bằng rất nhiều nỗ lực, năm 2020, toàn nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đã kiên cường vượt lên hoàn cảnh khó khăn bằng mọi cách thức; trong đó có việc xây dựng lại chiến lược phát triển, tái cấu trúc hệ thống quản trị, tái đào tạo nguồn lao động và chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa.
Cùng với đó, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng Việt, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng… Rất nhiều sáng kiến ứng phó với đại dịch COVID-19 đã được triển khai ở nhiều cấp, ngành, nhiều địa phương và nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, đợt bùng phát trở lại của dịch bệnh tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước thời gian qua đã cho thấy tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vẫn “đè nặng” tâm lý và ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của người dân; vẫn tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và sự vận hành của Chính phủ.
Rõ ràng, vẫn cần rất nhiều nỗ lực hơn nữa để duy trì những thành quả đạt được và giữ nhịp tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, phải thực sự ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò cổ vũ và yểm trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp khi ứng phó với dịch bệnh.
Các chính sách cao nhất như chính sách tài khoá: giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất…hay các chính sách nới lỏng về tín dụng ngân hàng; chính sách cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động…đều được các doanh nghiệp vẫn đánh giá là cần thiết và hữu ích.
Trước thực tiễn còn nhiều khó khăn như hiện nay, Chính phủ cùng các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục duy trì và ban hành chính sách miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nên là những giải pháp có tính chất hạn dài hơn.
Chẳng hạn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cũng cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng để hình thành các chuỗi cung ứng Việt.
Quan trọng hơn là tập trung cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông Tuấn nhấn mạnh, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng không còn nhiều dư địa vì sự giới hạn về ngân sách thì những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn do dễ thực hiện hơn.
Các doanh nghiệp cũng rất trông đợi vào việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả năng lực thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19.
Để toàn nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục ứng phó với dịch COVID-19, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, doanh nghiệp đang rất cần thêm nhiều sự hỗ trợ để tăng cường năng lực thích ứng và chống chọi tốt hơn trước những tác động của dịch bệnh. Thực thi và tuân thủ pháp luật luôn là khâu yếu nhất nên cần được ưu tiên cải thiện đầu tiên, ông Lộc nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả thực thi, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Theo đó, cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ các thủ tục, quy trình đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.
Với những chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai; nhất là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch COVID-19.
Các ngành cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho rằng, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.
Đại dịch COVID-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội, khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, Liên minh châu Âu hay Australia… đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi các cứ điểm sản xuất chính. Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn.
Theo ông Lộc, nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.
Chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại và vượt lên sau dịch COVID-19, nhất là về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới cũng là điều cần phải được quan tâm và tập trung nguồn lực vào lúc này, ông Lộc khuyến nghị.
Đây là việc quan trọng không kém việc “cứu” các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và bước vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.
Cuối cùng, ông Lộc nhấn mạnh, các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới từ năm 2021 tới năm 2025.
Bởi theo nhiều dự báo, đại dịch COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu và chỉ có thể được loại trừ hoàn toàn sau 4 -5 năm nữa.
Do đó, trong thời gian tới cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn. Ngoài ra, cũng cần lan toả và nhân rộng được các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.
Nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu trước những cú sốc như đại dịch COVID-19 là 1 điển hình.