|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cấp giấy phép (Licensing) là gì? Đặc điểm và lợi thế của cấp giấy phép

10:46 | 16/12/2019
Chia sẻ
Ngày nay, trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, cấp giấy phép (tiếng Anh: Licensing) được xem là bộ phận quan trọng của chiến lược Marketing toàn cầu nhằm tối đa hoá hiệu quả trong kinh doanh quốc tế.
Cấp giấy phép (Licensing) là gì? Đặc điểm và lợi thế của cấp giấy phép - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: diendanphapluat.vn)

Cấp giấy phép

Khái niệm

Cấp giấy phép trong tiếng Anh là Licensing.

Theo V.H. Kirpalani, cấp giấy phép (hay cấp phép), nói một cách đơn giản là một hình thức hợp đồng nhượng quyền sở hữu trí tuệ hay nhượng quyền sử dụng sản phẩm trí tuệ để tiến hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nước ngoài. 

Quyền sử dụng những sản phẩm trí tuệ này thường là: Bằng sáng chế phát sinh (Patent); quyền tác giả hay tác quyền (Copyrights); nhãn hiệu thương mại (Trademarks); các qui trình công nghệ (Technological Process); bí quyết kĩ thuật (Know how) v.v…

Trong thời đại công nghệ và kinh tế tri thức, các sản phẩm trí tuệ hoàn toàn khác với mọi hàng hoá thông thường và thuộc loại dịch vụ đặc biệt. Tính chất đặc biệt này được thể hiện trong quá trình sử dụng mà giá trị và hiệu quả của sản phẩm trí tuệ mang lại thường rất lớn, có thể gấp nhiều lần so với các hàng hoá thông thường khác.

Cấp phép thực chất là hoạt động giao dịch về sản phẩm trí tuệ, theo đó giá cả mua bán được hình thành và biến động theo quan hệ cung cầu của thị trường sản phẩm đặc biệt này và phụ thuộc vào mức lợi nhuận mang lại.

Đặc điểm và lợi thế của cấp giấy phép

Licensing là cách thức tiến hành phù hợp với yêu cầu của các bên chủ thể kinh doanh quốc tế, trong đó: bên cấp phép (Licensor) thường là những công ty quốc tế, điển hình là các công ty xuyên quốc gia. Sau một thời gian sở hữu và sử dụng sản phẩm trí tuệ, họ cần khai thác chúng triệt để hơn và nhanh hơn thông qua cấp phép. 

Như vậy bên cấp phép có điều kiện để đầu tư, đổi mới kịp thời sản phẩm trí tuệ khác nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường vì thường xuyên tiếp cận được công nghệ mới nhất. 

Bên được cấp phép (Licensee) thường là các công ty quốc gia đi sau về công nghệ cho nên có nhu cầu công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình về tài chính và khả năng quản lí nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh quốc tế ổn định và ngày càng mở rộng.

Các chi phí cấp phép thường thấp và nhìn chung không lớn. P.Cateora nhấn mạnh đặc điểm này. Điều đó là tất yếu khách quan, bởi lẽ bên cấp phép đã sử dụng phần lớn sản phẩm trí tuệ trong suốt một thời gian nhất định, việc cấp phép, xét cho cùng, là cách tận thu để kịp thời đổi mới công nghệ hiện đại trong điều kiện cách mạng công nghệ tiến như vũ bão và hao mòn vô hình diễn ra rất nhanh chóng.

Licensing là chiến lược kinh doanh quốc tế rất được ưu chuộng đối với các công ty nhỏ và vừa vì như trên đã nói, họ là những doanh nghiệp đi sau về công nghệ, lại thích hợp với chi phí thấp và trình độ quản lí không quá cao.

Licensing thường chỉ là chiến lược bổ sung cho sản xuất và xuất khẩu chứ không phải là chiến lược duy nhất để tiếp cận thị trường thế giới. Nội dung này càng đúng hơn đối với bên cấp phép.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Marketing quốc tế, NXB Lao động – Xã hội)

Đức Nhượng