|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cái giá mà kinh tế Trung Quốc phải gánh để giữ bầu trời xanh cho Thế vận hội mùa đông

12:24 | 18/01/2022
Chia sẻ
Thế vận hội mùa đông có thể đè nặng lên nền kinh tế tỷ dân khi Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa hàng loạt nhà máy ở các trung tâm sản xuất công nghiệp ở miền bắc để giảm ô nhiễm và đảm bảo bầu trời xanh trong trong sự kiện thể thao trọng đại này.

Nhà máy đóng cửa để giữ bầu trời trong xanh

Để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông dự kiến khai mạc vào ngày 4/2 tới, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt chính sách nhằm giảm thiểu ô nhiễm và bảo đảm bầu trời trong xanh khi sự kiện trọng đại này diễn ra.

Một trong các biện pháp đáng chú ý nhất là yêu cầu các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng phải tạm ngừng hoặc giảm công suất hoạt động, vì đây vốn là tác nhân phát sinh nhiều khí thải nhà kính nhất.

Theo một thông báo của Bộ Sinh Thái và Môi trường Trung Quốc (MEE) hồi tháng 10 năm ngoái, ngoài Bắc Kinh và Thiên Tân, các nỗ lực giảm thiểu khói bụi đã mở rộng từ 28 lên 64 thành phố, bao quát 5 tỉnh lớn.

Khu vực này bao gồm một số trung tâm công nghiệp quan trọng nhất đất nước như Đường Sơn - thành phố sản xuất thép lớn nhất thế giới ở tỉnh Hà Bắc; Sơn Tây - tỉnh khai thác than lớn nhất Trung Quốc; và hai tỉnh sản xuất nhôm lớn là Sơn Đông và Hà Nam.

Mặc dù thông báo của MEE không đề cập đến Thế vận hội mùa đông, toàn bộ 64 thành phố trên đều phải hoàn thành các mục tiêu chất lượng không khí cụ thể đối với bụi mịn (PM2.5) cũng như không vượt quá giới hạn trên cho số ngày ô nhiễm nghiêm trọng từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022.

Chia sẻ với SCMP, các nhà phân tích cảnh báo các lệnh hạn chế sản xuất sẽ gây áp lực lớn lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Lu Ting của Nomura Holdings nhận định: "Mặc dù đồng bằng sông Dương Tử và sông Châu Giang không liên đới, khu vực bị ảnh hưởng bởi các biện pháp môi trường của Bắc Kinh cũng là một phần tương đối quan trọng của nền kinh tế tỷ dân, đặc biệt là về sản xuất nguyên liệu thô".

Trong quá khứ, Trung Quốc thường ra lệnh đóng cửa nhà máy để giảm bớt ô nhiễm không khí, đơn cử như khi Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Apec) diễn ra năm 2014. Người dân còn ví bầu trời quang đãng hiếm hoi khi đó là "Apec blue" (trời xanh Apec).

Cái giá mà kinh tế Trung Quốc phải gánh để giữ bầu trời xanh trong Thế vận hội mùa đông - Ảnh 1.

Các cột khói trắng bốc lên từ một khu sản xuất công nghiệp nặng ở Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Hậu quả nghiêm trọng, chưa thể định lượng

Chuyên gia Lu Ting cho rằng còn quá sớm để định lượng tác động của các lệnh hạn chế sản xuất đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng chắc chắn sẽ rất đáng kể.

"Đây là một cú sốc liên quan tới phía cung. Hơn nữa, cú sốc này sẽ không biến mất cho đến giữa tháng 3 năm nay", ông Lu nhấn mạnh. Theo kế hoạch, Paralympics - thường diễn ra sau Thế vận hội, sẽ kết thúc vào ngày 13/3.

Các nhà máy luyện thép ở Đường Sơn có kế hoạch giảm sản lượng khoảng 12,4 triệu tấn trong năm nay. Năm 2020, Đường Sơn xuất xưởng được khoảng 144 triệu tấn thép, theo một tài liệu do chính quyền địa phương công bố hồi tháng 8 năm ngoái.

Do đó, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ giảm khoảng 13% so với nửa đầu năm, công ty giao dịch hợp đồng tương lai GF Futures dự đoán.

Đối với xi măng, chính quyền các địa phương ở Hà Bắc, Sơn Tây và Nội Mông đều đã ra lệnh cho các nhà máy giảm hoặc tạm dừng sản xuất cho đến cuối tháng 3. Nội Mông vốn không nằm trong danh sách của MEE.

Khoảng cách giàu nghèo giữa hai miền nam - bắc của Trung Quốc đã nới rộng kể từ khi đại dịch bùng phát, vì các tỉnh miền nam giàu có hơn có thể dựa vào xuất khẩu, trong khi tiêu dùng nội địa ở miền bắc vẫn yếu.

Theo chuyên gia Lu Ting, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa lượng khí thải carbon đạt đỉnh vào năm 2030, cũng như các biện pháp kiểm soát môi trường trước thềm Thế vận hội, đang gây bất lợi cho các nền kinh tế ở miền bắc.

Trao đổi với SCMP, ông Lu cho hay: "Các tỉnh ở miền bắc chỉ đóng góp khoảng 35% GDP nhưng chiếm tới 2/3 lượng khí thải carbon của Trung Quốc. Vốn phụ thuộc vào các ngành công nghiệp nặng, nền kinh tế khu vực phía bắc sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn khi Bắc Kinh tiếp tục giảm phát thải".

Đời sống của người lao động lao đao

Chính sách hạn chế hoạt động công nghiệp của chính phủ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người lao động, các nhà phân tích nhận định.

Li, một lái xe forklift (xe nâng hạ hàng hóa trong kho), cho biết nhà máy ván ép mà anh đang làm việc ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông đã giảm công suất trong ba tháng qua. Thu nhập của Li cũng hụt hơn 1/3.

"Chúng tôi vừa phải hạn chế tiêu thụ điện năng vừa phải kiểm soát ô nhiễm. Chúng tôi có thể bị yêu cầu ngừng hoạt động bất kỳ lúc nào nếu không tuân thủ quy định", Li bày tỏ. "Thời tiết đang trở nên tồi tệ hơn, các lệnh hạn chế càng nghiêm ngặt hơn"".

Dù các tài xế xe forklift là nhóm ít bị ảnh hưởng nhất trong 200 công nhân của nhà máy, tuần làm việc của anh Li đã giảm từ 7 xuống còn 3 ngày. Một số đồng nghiệp của anh thậm chí còn bị cắt giảm lượng nghiêm trọng hơn.

"Có rất nhiều nhà máy sản xuất ván ép gần Lâm Nghi. Họ cũng đang trải qua tình cảnh tương tự, có lẽ chưa đến 1/10 công nhân bình an vô sự", Li nói thêm.

Khả Nhân