|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các nước G20 kêu gọi ngừng chiến tranh thương mại

15:30 | 13/04/2019
Chia sẻ
Rủi ro toàn cầu tăng trưởng chậm hơn dự báo khiến giới chức tài chính G20 kêu gọi các nước vượt qua rào cản thương mại và tăng hợp tác.

Giới chức các nước G20 đang lo ngại sự yếu đi tại các nền kinh kinh tế chủ chốt có thể lan truyền, đặc biệt nếu căng thẳng thương mại, như giữa Mỹ và Trung Quốc, leo thang. "Rủi ro vẫn nghiêng về hướng suy giảm", Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản – Taro Aso cho biết trong buổi họp báo hôm qua sau cuộc gặp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20, "Triển vọng tăng trưởng có thể đi xuống nếu sự yếu đi tại các nền kinh tế chủ chốt có tác động lan truyền sang nước khác".

Các nước G20 kêu gọi ngừng chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Bộ trưởng tài chính và thống đốc các nước G20 chụp ảnh chung hôm qua. Ảnh: Reuters

Các quan chức khác đang tham gia cuộc họp thường niên do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức tại Washington cũng có lo ngại tương tự. Nhiều người cho rằng nguyên nhân của việc này là các chính sách bảo hộ thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Đức - Olaf Scholz nhận định chủ nghĩa đa phương đang ngày càng bị đe dọa và các lãnh đạo cần thúc đẩy hợp tác quốc tế. Ông kêu gọi Mỹ giải quyết các bất đồng thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Tuần này, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu lên 11 tỷ USD hàng hóa châu Âu, trong đó có máy bay thương mại. "Tôi cho rằng đây là vấn đề về nguyên tắc, không chỉ là giành lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, cũng không phải là nghệ thuật đàm phán", ông nói. EU cũng chuẩn bị áp thuế lên 12 tỷ USD hàng Mỹ.

IMF cũng cảnh báo các chính phủ không nên tiếp tục chiến tranh thương mại và các chính sách khác gây gián đoạn nền kinh tế, trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. "Chúng tôi nhận thấy rủi ro suy giảm, và điều này có nghĩa tất cả mọi người phải rất cẩn thận", Phó giám đốc IMF - David Lipton cho biết trên Bloomberg, "Về căng thẳng thương mại, không cần biết chính sách tiền tệ thế nào, Trung Quốc sẽ tăng trưởng ra sao, đã đến lúc giới chức các nước cần đảm bảo sẽ không làm gì tổn hại đến nền kinh tế".

Đầu tuần này, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Họ cho rằng toàn cầu đang phải chịu hàng loạt mối đe dọa, từ khả năng đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ đến Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có một thỏa thuận chuyển giao.

Hà Thu