Pyn Elite Fund: Việt Nam đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Trong tháng 3, NAV (Net Asset Value) của quỹ đầu tư đến từ Phần Lan – Pyn Elite Fund đạt mức tăng trưởng nhẹ 0,3% với các nhân tố thúc đẩy như VEA, TPB và CII. Trong khi đó, VN-Index tăng 1,6% do đóng góp từ các ngân hàng lớn như VCB, BID và CTG. Kết thúc quý I, Pyn tăng trưởng NAV 2,24%.
Các cổ phiếu trong danh mục của Pyn tiếp tục duy trì ở mức P/E 9,6 lần so với 14 lần của VN-Index.
Một trong những doanh nghiệp được Pyn nắm giữ cổ phiếu nhiều nhất trong danh mục, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên trong tháng 3. Qua đó, chủ tịch Nguyễn Đức Tài rời ghế CEO để phù hợp với quy định, thay thế là ông Trần Kinh Doanh, người đã gắn bó với công ty hơn 15 năm. Ông Doanh cam kết đẩy mạnh phát triển chuỗi của hàng tạp hóa trong năm nay, bên cạnh đó lĩnh vực điện máy tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với việc tăng thị phần lên 45% - 50% so với mức 35% thời điểm hiện tại.
Trong tháng vừa qua, MWG cũng đã tiến hành thử nghiệm bán đồng hồ đeo tay trong các cửa hàng Thế giới Di động như là một sáng kiến mới nhằm tăng doanh số. Pyn đánh giá kết quả đầu tiên rất đáng khích lệ.
Cổ phiếu VEA, được Pyn coi là ngôi sao đang lên tăng trưởng 7,3% trong tháng và đã tăng gần 35% nếu tính từ đầu năm. Quỹ đầu tư này cho rằng kết quả trên không có gì đáng ngạc nhiên khi VEA được hưởng lợi mạnh mẽ từ mức tiêu thụ xe khách tăng cao tại Việt Nam, dự kiến tăng trưởng kép 18% – 20% trong vòng 5 năm tới.
Mặc dù cổ phiếu tăng, nhưng Pyn vẫn đánh giá rằng định giá cỉa VEA đang tương đối rẻ. mức P/E chỉ 9,1 lần trên tỷ suất cổ tức 6,6%.
Kết thúc tháng 3, danh mục của Pyn ghi nhận 5 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất gồm MWG (15,76%), TPB (10,13%), HDB (8,99%), CII (6,18%), VEA (4,68%) và KDH (4,66%).
Tổng giá trị tài sản dưới quyền quản lý 397 triệu Euro.
Ông Petri Deryng - Giám đốc Quỹ Pyn Elite Fund
Trên góc độ vĩ mô, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 6,8%. Mặc dù tăng trưởng thấp hơn quý I năm ngoái, nhưng kết quả này vẫn cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ trong giai đoạn 2011 – 2017.
Sản xuất và dịch là hai nhân tố đóng góp chính vào tăng trưởng GDP. Hoạt động sản xuất chế tạo tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ 2018 và đóng góp 51,2% cho tổng tăng trưởng GDP, còn dịch vụ tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 43,9% cho tổng tăng trưởng GDP. Pyn cho rằng, hiệu suất ấn tượng của ngành sản xuất và xây dựng cũng như tăng trưởng xuất khẩu dương ngụ ý rằng Việt Nam có lẽ đang được hưởng lợi từ chuyển hướng thương mại và đầu tư do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.