|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến tranh thương mại của ông Trump biến nhà sản xuất nội thất Việt Nam thành người chiến thắng

09:25 | 13/04/2019
Chia sẻ
Trong khi cả Mỹ và Trung Quốc nỗ lực để hạn chế thua lỗ trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra, một công ty Việt Nam lại đang ăn mừng không ít thắng lợi.
Chiến tranh thương mại của ông Trump biến nhà sản xuất nội thất Việt Nam thành người chiến thắng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất nội thất của ông Lê Duy Anh nổi lên như một điểm sáng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Doanh nghiệp Việt Nam nào thắng "đậm" nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Ông Lê Duy Anh, CEO của Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam - một công ty nội thất có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc và đã tiếp nhận một lượng lớn khách hàng quốc tế trong thời gian gần đây.

Vì cuộc chiến thuế quan leo thang trị giá 360 tỉ USD giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018, các khách hàng của Xuân Hòa, gồm cả đại gia nội thất Thụy Điển Ikea, đã chuyển hướng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ít nhất 10 khách hàng tiềm năng mới đã gọi điện đến văn phòng của ông Lê Duy Anh từ nước ngoài trong ba tháng đầu năm nay.

"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang mang đến nhiều cơ hội kinh doanh hơn", ông Lê Duy Anh, kì vọng doanh thu sẽ tăng ít nhất là gấp đôi trong 5 năm tới, nói. "Có thêm nhiều công ty liên lạc với chúng tôi để chuyển sang sản phẩm của Xuân Hòa".

Xuân Hòa đã hợp tác với Ikea hơn 17 năm và nhà cung cấp nội thất Thụy Điển gần đây vừa bắt đầu đặt một đơn hàng linh kiện kim loại nhỏ, cỡ lòng bàn tay từ công ty sản xuất đồ nội thất của Việt Nam.

Giá của Xuân Hòa rẻ hơn khoảng 1.000 đồng/linh kiện so với nhà cung cấp Trung Quốc của Ikea, theo ông Lê Duy Anh. Hoạt động kinh doanh của công ty có khả năng mở rộng hơn nữa nhờ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

"Như bất kì công ty toàn cầu đang phát triển nào khác, Ikea luôn tìm kiếm cơ hội cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung tối ưu nhằm giữ mức chi phí thấp cho khách hàng của mình", ông Mattias Hennius, phát ngôn viên của Ikea tại Thủy Điển, cho hay trong một email mà không nêu ra vấn đề mở rộng kinh doanh với Xuân Hòa.

Doanh nghiệp nước ngoài đổ vào Việt Nam vì chi phí sản xuất thấp

Việt Nam nổi lên là một địa điểm sản xuất chi phi thấp. Một công nhân nhà máy ở Việt Nam chỉ được trả bằng một nửa số tiền mà đồng nghiệp của họ nhận được tại Trung Quốc, trong giá điện cũng rẻ hơn nhờ trợ cấp của chính phủ.

Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc, nhờ đó các nhà máy có thể cung cấp linh kiện và nguyên liệu sản xuất dễ dàng và rẻ hơn.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy một xu hướng, vốn đã tăng trưởng đều đặn kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa kinh tế thông qua cải cách "Đổi mới" vào những năm 1980. Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển thành một trong những nước phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trên thế giới sau khi chính phủ kí kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do.

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã tăng dần kể từ khi kí kết các hiệp định trên, nhưng chỉ thực sự cất cánh vào năm 2014 sau khi Samsung Electronics công bố kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang để bù đắp lợi nhuận.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đạt 14,1 tỉ USD năm 2017, chiếm một phần năm tổng số dòng vốn chảy vào khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, theo dữ liệu củ Maybay Kim Eng Research.

"Việt Nam không chỉ là một điểm đến mới, mà đó là một địa điểm thuận lợi", ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành tại Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, nói về sự nhiệt tình của nhà đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh của World Bank cũng như Chỉ số Năng lực Cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn ra mắt ở vị trí thứ 60 trên Chỉ số Đổi mới của Bloomberg vào năm nay.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đóng vai trò như một cú hích cho các doanh nghiệp để thúc đẩy kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Goer Tek của Trung Quốc (nhà cung cấp của Apple) và Hon Hai Precision Industry của Đài Loan (hay Foxconn) cùng một số đối thủ đã chuyển sản xuất sang Việt Nam do chiến tranh thương mại tiếp diễn.

Nhà cung cấp đồ gia dụng của Mỹ - Haverty Furniture Cos - cũng đang tăng cường sản xuất tại Việt Nam, với lí do áp lực thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Xu hướng thay đổi trên cũng được thể hiện trong số liệu xuất khẩu với số lượng các lô hàng Việt Nam đang nắm giữ sau khi tình hình thương mại ở khu vực khác không khả quan. Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 12,4% trong nửa cuối năm 2018 so với một năm trước, vượt xa 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, theo dữ liệu được tổng hợp bởi HSBC.

Các nhà đầu tư cho biết Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh, gồm loại bỏ tham nhũng, cải thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vận tải, và đảm bảo sản xuất có thể tăng dần chuỗi giá trị.       

Trần Nam Thi