Các cam kết của Australia về dịch vụ và đầu tư
Cam kết đảm bảo quyền lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ
Các thành viên CPTPP sẽ không phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài, giữa các nhà cung cấp dịch vụ từ các thành viên CPTPP với các nhà cung cấp dịch vụ từ các nước ngoài thành viên, theo ghi nhận của Nhóm Nghiên cứu – Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI.
CPTPP cũng yêu cầu các thành viên không được đặt ra các hạn chế về số lượng đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như hạn chế về số lượng nhà cung cấp), các hạn chế về hình thức pháp lí của doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, các thành viên CPTPP không được yêu cầu một nhà cung cấp dịch vụ từ một nước thành viên CPTPP khác phải thiết lập văn phòng đại diện, hoặc bất kì hình thức doanh nghiệp nào trên lãnh thổ của mình, hay phải cư trú trên lãnh thổ mình để cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam sang thị trường Australia cũng sẽ được hưởng những lợi ích từ những nguyên tắc chung này. Mặc dù hiện tại Australia đã đang là một thị trường khá mở về dịch vụ, nhưng với thêm các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho nhà cung cấp dịch vụ theo CPTPP, các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam sẽ yên tâm hơn khi xuất khẩu dịch vụ sang thị trường này.
Đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư
Tương tự như dịch vụ, nguyên tắc chủ đạo đối với đầu tư cũng là không phân biệt đối xử - nguyên tắc đối xử Quốc gia và nguyên tắc đối xử tối huệ quốc.
CPTPP cũng đặt ra nguyên tắc liên quan tới các yêu cầu về hoạt động cấm các nước đặt ra yêu cầu bắt buộc liên quan tới việc thành lập, mua lại, mở rộng, quản lí, hoạt động hoặc vận hành của khoản đầu tư hay các yêu cầu về mức giá, thời hạn, trị giá bản quyền theo hợp đồng li-xăng…
Các nguyên tắc liên quan tới Nhân sự quản lí cao cấp và Ban lãnh đạo, không cho phép các nước thành viên đặt ra các yêu cầu về quốc tịch bắt buộc của nhân sự quản lí cấp cao, hay Ban lãnh đạo của công ty có đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh các nguyên tắc mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đầu tư kể trên, CPTPP cũng đặt ra các nguyên tắc nhằm đảm bảo các quyền lợi cơ bản của nhà đầu tư, bao gồm:
- Đối xử với nhà đầu tư nước ngoài một cách công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn, đầy đủ theo tập quán quốc tế.
- Nguyên tắc bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trước các biện pháp tịch thu, cưỡng chế, quốc hữu hóa, nếu nước nhận đầu tư thực hiện các biện pháp này thì phải bồi thường nhanh chóng, chính xác, đúng giá thị trường.
- Nguyên tắc bảo đảm việc chuyển vốn tự do liên quan đến khoản đầu tư.
Đặc biệt, CPTPP thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nước nhận đầu tư và nhà đầu tư (ISDS), theo đó cho phép nhà đầu tư có quyền kiện chính phủ nước nhận đầu tư ra một tổ chức trọng tài độc lập. Đây là một công cụ khá mạnh cho phép nhà đầu tư bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp với nước nhận đầu tư.
Các nhà đầu tư của Việt Nam sang thị trường Australia cũng sẽ được hưởng những lợi ích từ những nguyên tắc chung này.
Mặc dù hiện tại, Australia đang là một thị trường an toàn về đầu tư nhưng với thêm các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho nhà cung cấp dịch vụ theo CPTPP, các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam sẽ yên tâm hơn khi đầu tư sang thị trường này.
Australia cam kết về tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư
Khác với WTO và nhiều FTA trước đây, mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trong CPTPP được thực hiện theo hình thức “chọn - bỏ”, mỗi nước sẽ liệt kê ra một danh mục các lĩnh vực dịch vụ mà nước đó chưa muốn mở, hoặc mở cho đối tác ở một mức nhất định và nước này sẽ chỉ phải mở tối thiểu như mức đã cam kết; đối với các lĩnh vực nằm ngoài Danh mục này, nước đó sẽ phải mở toàn bộ, không có bất kì hạn chế gì cho đối tác.
Australia có nhiều cam kết mở cửa về dịch vụ và đầu tư trong CPTPP cao hơn so với WTO. Trong đó, đáng lưu ý là Australia tăng ngưỡng rà soát đối với các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước CPTPP, từ 252 triệu AUD lên 1,094 AUD cho các khoản đầu tư trong các lĩnh vực không nhạy cảm.
Còn đối với các lĩnh vực nhạy cảm (như truyền thông, giao thông vận tải, một số dịch vụ quốc phòng, cơ sở hạt nhân…) thì Australia vẫn duy trì ngưỡng rà soát là 252 triệu AUD và thấp hơn nữa đối với các lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm (như đầu tư vào đất thành phố, đất nông nghiệp…).
Ngoài ra đối với các dịch vụ xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam (du lịch, vận tải) và các lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh (tài chính ngân hàng, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy và xe có động cơ, nông lâm nghiệp,...) Australia mở cửa hơn trong CPTPP so với WTO.