Cam kết về Hải quan và Tạo thuận lợi hóa thương mại trong EVFTA
Theo Bộ Công Thương, Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Với kết quả 29 phiếu ủng hộ trên 40 đại biểu, INTA đã nhất trí thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại của Hiệp định EVFTA bao gồm các cam kết về các biện pháp quản lí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển giữa Việt Nam và EU. Các cam kết này ảnh hưởng trực tiếp tới các thủ tục hải quan và các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
Các cam kết về các thủ tục hải quan trong Hiệp định EVFTA
EVFTA bao gồm các cam kết về nhiều thủ tục hải quan cụ thể, trong đó đáng chú ý là các cam kết:
- Xác định trước: Các kết quả xác định trước về phân loại hàng hóa phải được đăng tải công khai để các chủ thể khác có thể biết và áp dụng cho trường hợp của mình.
- Quản lí rủi ro: Phải áp dụng phương pháp quản lí rủi ro (chỉ kiểm tra đối với hàng hóa có rủi ro, không kiểm tra toàn bộ hàng hóa) cho hàng xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, chuyển khẩu.
Hiện nay Việt Nam mới chỉ áp dụng phương pháp quản lí rủi ro này trong thủ tục hải quan thực hiện bởi cơ quan hải quan, còn toàn bộ thủ tục quản lí chuyên ngành đối với hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành (chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa lưu thông) do khoảng hơn 10 Bộ ngành thực hiện hoàn toàn chưa sử dụng phương pháp quản lí rủi ro, vẫn sử dụng phương pháp kiểm tra 100% các lô hàng.
EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải sửa đổi pháp luật và thủ tục hành chính liên quan đến quản lí chuyên ngành để thực hiện cam kết này, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu là đối tượng chịu quản lí chuyên ngành vì vậy sẽ được lợi lớn từ cam kết này.
- Phí, lệ phí: Chỉ thu phí, lệ phí liên quan tới việc xuất, nhập khẩu; mức phí không vượt quá chi phí thực hiện dịch vụ, không tính trên phần trăm giá trị hàng hóa.
- Hợp pháp hóa lãnh sự: Không được yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ trong hồ sơ hải quan và sau 3 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực sẽ bỏ yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với việc nhập khẩu.
Các cam kết về tạo thuận lợi thương mại trong Hiệp định EVFTA
EVFTA yêu cầu Việt Nam và EU:
- Loại bỏ các thủ tục không cần thiết, phân biệt đối xử, làm chậm trễ thủ tục.
- Đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hải quan (ví dụ phân tách việc thông quan hàng hóa và việc chi trả thuế và các phí liên quan, sử dụng hồ sơ điện tử, tăng cường hồ sơ điện tử và tiến hành xử lí trước các thông tin trước khi hàng đến để có thể thông quan ngay, một văn bản hoặc một bản điện tử quản lí hành chính duy nhất,…).
- Sử dụng các phương pháp hiện đại (quản lí rủi ro, kiểm tra sau thông quan).
Ngoại trừ cam kết về phương pháp quản lí rủi ro, kiểm tra sau thông quan, ở các nội dung khác cơ bản Việt Nam đã đáp ứng về mặt pháp luật, mặc dù về thực tiễn còn nhiều điểm cần cải thiện.
Chi tiết về Cam kết Hải quan và Tạo thuận lợi hóa thương mại trong EVFTA