Tự do hóa Dịch vụ theo Hiệp định EVFTA
Vào ngày 21/1/2020 INTA họp tại Brussels, Bỉ để bỏ phiếu khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).
Với kết quả 29 phiếu ủng hộ trên 40 đại biểu, INTA đã nhất trí thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Tự do hóa Dịch vụ theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU
Cam kết về dịch vụ trong EVFTA chỉ bao gồm các dịch vụ qua biên giới, được cung cấp theo một trong các hình thức sau:
- Dịch vụ cung cấp từ lãnh thổ của Bên này sang lãnh thổ Bên kia.
- Dịch vụ cung cấp tại lãnh thổ của Bên này cho người sử dụng dịch vụ quốc tịch Bên kia.
Trường hợp dịch vụ được cung cấp bởi các hình thức hiện diện thương mại của Bên này tại lãnh thổ Bên kia (Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh,…), cho người tiêu dùng Bên kia, thì được xếp chung vào cam kết về đầu tư (Đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Phạm vi các cam kết về dịch vụ
EVFTA về mở cửa thị trường dịch vụ được đàm phán theo nguyên tắc chọn – cho tương tự cách đàm phán trong WTO, theo đó Việt Nam chỉ mở cửa theo mức như cam kết, trong các lĩnh vực đã có trong cam kết; đối với các lĩnh vực còn lại, Việt Nam có thể qui định tùy ý.
Ngoài ra, EVFTA cũng loại trừ sẵn một số lĩnh vực dịch vụ mà hai Bên sẽ không phải tuân thủ các nguyên tắc trong EVFTA (Dịch vụ nghe nhìn, dịch vụ vận tải hàng hải hành khách ven bờ, một số dịch vụ vận tải hàng không,..).
Với cách tiếp cận này, phần lớn các nguyên tắc về mở cửa thị trường dịch vụ là các cam kết của Việt Nam chỉ cho các nhà đầu tư EU và chỉ trong các lĩnh vực có cam kế. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp nhất định được nêu rõ trong EVFTA, Việt Nam cam kết cho tất cả các lĩnh vực dịch vụ.
Các cam kết về nguyên tắc mở cửa thị trường dịch vụ
Nguyên tắc tiếp cận thị trường (MA)
Theo nguyên tắc này, Việt Nam cam kết cho các nhà cung cấp dịch vụ EU quyền tiếp cận thị trường không thấp hơn các điều kiện, hạn chế, cách thức như nêu trong Biểu cam kết.
Việt Nam cũng cam kết không áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ, trị giá giao dịch, số lượng cung cấp dịch vụ trên trị giá giao dịch đối với nhà cung cấp dịch vụ EU.
Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT)
Việt Nam cam kết đối xử với nhà cung cấp dịch vụ EU không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho nhà cung cấp dịch vụ nội địa tương tự trong các vấn đề liên quan tới việc cung cấp dịch vụ qua biên giới trừ trường hợp Biểu cam kết có qui định khác.
Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN)
Việt Nam cam kết dành cho nhà cung cấp dịch vụ EU đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho nhà cung cấp dịch vụ theo các FTA khác (TPP, FTA VN-EFTA, RCEP) ngoại trừ các lĩnh vực dịch vụ thông tin ngoài dịch vụ bưu điện và viễn thông, các lĩnh vực dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí.
Nguyên tắc MFN sẽ không áp dụng với trường hợp các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN, các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, các biện pháp thừa nhận lẫn nhau theo GATS hoặc Phụ lục Dịch vụ tài chính của GATS.
Chi tiết về Tự do hóa Dịch vụ theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU