Chậm thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU giảm mạnh
Chỉ hơn 1,5% doanh nghiệp có nghiên cứu về EVFTA
Tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế quốc tế TPHCM năm 2019 với chủ đề "Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường EU qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU" diễn ra ngày 19/12, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công thương, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đang có xu hướng chững lại.
Cụ thể, tính đến tháng 11/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU đã giảm 1,26% so với cùng kì năm 2018.
Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường EU cũng cho thấy sự sụt giảm như điện thoại và linh kiện giảm 16%, cà phê giảm 16,3%, thuỷ hải sản gần 13%. Dự kiến trong năm 2019, xuất khẩu vào EU đạt khoảng 41,8 tỉ USD, giảm 3,6% so với năm 2018.
Nguyên nhân, theo bà Hiền, là xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển nóng suốt từ năm 2000 đến năm 2018.
Toàn cảnh Diễn đàn "Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường EU qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU" diễn ra ngày 19/12. Ảnh: Như Huỳnh
Bên cạnh đó, trước khi FTA có hiệu lực, hoạt động thương mại cũng có xu hướng chững lại, một số mặt hàng xuất khẩu như điện thoại phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài FDI, cụ thể là Samsung, hay các mặt hàng nông sản - chủ yếu là xuất khẩu thô - bị tác động mạnh vào biến động của giá trị thị trường…
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU trong năm 2019 dự kiến đạt khoảng 1,5 tỉ USD thấp hơn 500 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.
Nguyên nhân là ngành thủy sản chịu tác động của việc bị EU rút thẻ vàng do chưa tuân thủ các qui định của EC về việc đánh bắt cá trái phép.
Ngoài ra, việc chậm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng làm mất đi cơ hội tăng trưởng kim ngạch của ngành thủy sản
Theo ông Trương Đình Hoè, khi EVFTA được kí kết vào tháng 6/2019, Hiệp hội và các doanh nghiệp thủy sản đã kì vọng rất lớn vào sự tăng trưởng của thị trường này.
Đầu năm 2019, Hiệp hội đặt mục tiêu xuất khẩu vào thị trường EU là 2 tỉ USD, chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, năm nay do việc chậm thực thi của Hiệp định thương mại nên mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản chưa đạt được, ông Hòe cho hay.
Thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu kì vọng tăng trưởng cao khi EVFTA được thực thi. Ảnh: Như Huỳnh.
Còn theo ông Vũ Xuân Phong, Nguyên phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định việc kí kết EVFTA đã mở ra một kir nguyên mới cho việc hợp tác toàn diện hơn giữa Việt Nam và EU trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa có sự tìm hiểu sâu sát với hiệp định thương mại tự do này.
Theo số liệu từ Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018, tỉ lệ doanh nghiệp có nghiên cứu sâu về Hiệp định EVFTA chỉ chiếm 1,55%, đa phần các doanh nghiệp chỉ mới nghe qua nhưng chưa tìm hiểu gì hoặc thậm chí chưa có thời gian lướt qua văn bản (chiếm 65,29%).
"Đây là một tín hiệu đáng lo ngại nếu chúng ta mong muốn tận dụng tối đa và có hiệu quả hiệp định này trong thời gian tới đây", ông Phong cho hay.
Như vậy, để hội nhập thật hiệu quả, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị hành trang thật kỹ về năng lực và chú ý đến những vấn đề mang tính rủi ro" ông Phong nói tại diễn đàn.
Hàng rào phi thuế quan vẫn là trở ngại chính đối với hàng nhập khẩu vào EU
Theo thống kê của Bộ Công thương, EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trên thế giới với tăng trưởng thương mại giai đoạn 2000 - 2015 đạt 20% và giai đoạn 2015 - 2018 đạt 10%.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong EU là Hà Lan, Đức, pháp, Anh. Cơ cấu hàng hóa giữa Việt Nam và EU mang tính bổ sung, Việt Nam xuất khẩu sang EU các sản phẩm hàng tiêu dùng gồm máy tính, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, nông, thủy sản.
Trong đó điện thoại và máy tính chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. Hiện sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm 9% thị phần hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU, chè, cà phê chiếm 14%; dệt may, máy móc thiết bị, điện thoại, thủy sản, hoa quả và các loại hạt chiếm khoảng 4%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ EU các sản phẩm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, Kinh kiện vận tải, sắt thép...
Theo Bộ Công thương, EVFTA dự kiến có hiệu lực vào giữa năm 2020 sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Số dòng thuế được xoá bỏ sau 7 năm hiệp định này có hiệu lực là hơn 99%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương. Ảnh: Như Huỳnh.
TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương, cho rằng, việc kí kết nhiều hiệp định toàn diện, thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, cho thấy Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư quan trọng trên thế giới. Nói cách khác, Việt Nam còn nhiều dư địa làm ăn.
Tuy nhiên, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế TP HCM, cho biết biện pháp phi thuế quan trong các FTA về cơ bản tuân thủ nguyên tắc trong WTO và còn ràng buộc các nước bằng việc đặt ra các tiêu chuẩn hay rào cản mới, đảm bảo tính minh bạch, hợp lý và tính giải trình.
"Trong trường hợp xuất khẩu tăng nhanh do hàng rào thuế quan hạ thấp rất có thể những nước nhập khẩu sẽ kích hoạt các biện pháp bảo hộ khác, trong đó có biện pháp chống bán phá giá, biện pháp đối kháng và biện pháp tự vệ", ông Bình An nói.
Do đó các FTA thế hệ mới nên đặt nặng tiêu chuẩn tuân thủ bắt buộc như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, thể chế… Đây được xem như một loại hàng rào kiểu mới đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Bởi các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ và EU rất coi trọng sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, do đó tiêu chuẩn hàng hóa và các rào cản phi thuế rất khắt khe.
Cùng chung nhận định, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay thói quen và xu hướng tiêu dùng của EU tập trung vào sản phẩm có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mức độ an toàn nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi rất cao.
Người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, coi trọng trách nhiệm xã hội, thân thiện môi trường. Các sản phẩm có thương hiệu sẽ chiếm ưu thế trên thị trường này.
Do đó, chủ động ứng phó với các rào cản thương mại khi hiệu lực EVFTA đã cận kề, các cơ quan quản lí nhà nước, Hiệp hội, Hội ngành hàng và doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường các quốc gia EU, thông qua việc xác định vai trò, nhiệm vụ cụ thể của các bên liên quan trong thực thi Hiệp định EVFTA.
Đặc biệt, chú ý đến các qui định về thuế quan, phi thuế quan và các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, EU còn áp dụng thuế nhập khẩu hạn ngạch, các loại thuế phòng vệ thương mại, thuế giá trị gia tăng nội địa EU (VAT)…
Bên cạnh đó, thị trường này còn đưa ra các tiêu chuẩn về môi trường như hóa chất, hóa chất độc hại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải….
"Đối với các mặt hàng đã vượt qua hàng rào phi thuế quan, thì sẽ có phương án khác để kiểm soát… Đây chính là những phương án song hành với phương án tự do hóa thương mại mà EU đang cổ vũ", bà Hiền nhấn mạnh.