|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội vàng từ EVFTA, logistics Việt có dễ tận dụng?

10:30 | 25/10/2019
Chia sẻ
EVFTA được kì vọng sẽ là cánh cửa mở ra rất nhiều cơ hội, giúp cho ngành logistics Việt Nam tăng tốc hơn nữa nếu biết khai thác hết các tiềm năng.

Còn nhiều bất cập về năng lực cạnh tranh, cơ sở hạ tầng...

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được kí ngày 30/6/2019 và đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực. 

Dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải… là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Hiệp định thương mại quốc tế (WTO).

Việt Nam hiện có khoảng 1.300 -1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia điều tra của World Bank về chỉ số năng lực Logistics (LPI) năm 2018. Đồng thời, đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự báo, EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam. 

Bởi dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải biển đang là ngành xuất khẩu dịch vụ lớn thứ hai của EU. Nhưng hiện tại không có quốc gia ASEAN nào nằm trong top các nước nhận dịch vụ này của Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, tại hội thảo "Ngành Logistics trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)" diễn ra ngày 24/10 tại TP HCM, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP HCM, cho rằng sự chênh lệch giữa trình độ phát triển giữa các doanh nghiệp logistic của EU và Việt Nam sẽ tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt. 

Cụ thể, theo ông Liêm logistics là ngành dịch vụ mà Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhưng hiện trạng năng lực cạnh tranh trong nước còn tương đối hạn chế. 

Nguyên nhân là ngành này lâu nay vẫn được bảo hộ khá chặt chẽ, thông qua các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo cam kết mở cửa rất dặt dè trong Tổ chức thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại tự do liên quan.

Tuy nhiên, theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, các cam kết sẽ ở mức mở rộng cửa hơn rất nhiều cho doanh nghiệp hai bên. 

Đây là thách thức nhưng cũng có thể là sức ép hợp lí để ngành Logistics Việt Nam cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

2bac3c1e7fdb9985c0ca

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Tổ chức thương mại quốc tế WTO tại Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Tổ chức thương mại quốc tế WTO tại Việt Nam, cho biết hiện nay, chi phí cho logistics ở Việt Nam chiếm tới 21 - 25% GDP hàng năm, 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo… 

Với mức này, chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, Singapore 300%.

Bất cập này sẽ cản trở sự phát triển ngành logistics Việt Nam là rất đáng kể. Tuy nhiên, "đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam đã có những cam kết mở cửa khá ấn tượng, cao hơn mức hiện tại trong cam kết trong WTO mà Việt Nam cho các đối tác", bà Trang cho hay.

Với năng lực cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp EU trong lĩnh vực logistic, khi hiệp định này có hiệu lực sẽ mở cửa cho rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics vào Việt Nam. 

Một phần sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa. Nhưng mặt khác, cũng mang đến một nguồn lớn về vốn, cơ hội hợp tác, công nghệ mới.

"Đây chính là điều ngành logistic Việt Nam đang cần, là cơ hội cho toàn bộ nền sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, để chúng ta có thể tiết kiệm và thu hẹp chi phí logistic trong tổng chi phí sản xuất", bà Trang nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu hoạt động kinh doanh, lưu thông và phân phối các sản phẩm dịch vụ, nhất là trong điều kiện hội nhập và phát triển. 

Điều này làm ảnh hưởng không những trực tiếp tới phân phối, lưu thông sản phẩm, hiệu quả kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên các thị trường và cả chất lượng tăng trưởng hiện nay.

Làm thế nào để ngành logistics hưởng lợi từ EVFTA?

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng: "Các doanh nghiệp cần phải hiểu đúng, hiểu rõ trong các nội dung cam kết của hiệp định, như thế chúng ta mới biết chúng ta bước vào thị trường với những đối thủ cạnh tranh sẽ tiếp cận với thị trường chúng ta ra sao, để hiểu được sân chơi chung như thế nào".

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để đem đến hiệu quả cao hơn, từ đó, giúp doanh nghiệp thu được những giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

0da7b8afe06a06345f7b

Toàn cảnh hội thảo "Ngành Logistics trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)" diễn ra ngày 24/10 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia để có thể tận dụng được các cơ hội cũng như hạn chế tối thiểu các thách thức mà hiệp định EVFTA mang lại, doanh nghiệp cần phải cải thiện công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin, đặc biệt với mạng logistics toàn cầu, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bảo đảm năng lực chuyên môn.

Song song với đó là cải thiện qui mô vốn, năng lực quản lí và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư EU, cũng như tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics khác nhau như hãng tàu, đại lí thương mại, bảo hiểm…

Như Huỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.